![]() |
Nhiều người vẫn đến mắc võng trong khu vườn. Ảnh: Việt Hòa |
Có mặt tại "khu vườn lạ" lúc 12h trưa 22/9, phóng viên VnExpress ghi nhận chỉ trong 30 phút, có đến hàng chục nhóm người lục tục kéo nhau vào vườn ngơ ngác tìm nơi mắc võng, kê giường. "Hôm nay là ít đó, chú mà lên vào thứ bảy, chủ nhật vừa rồi chắc không có chỗ", bà Lê Thị Út, 76 tuổi quê ở Cai Lậy, Tiền Giang vừa lên đây để chữa bệnh, nói.
Trong khuôn viên khoảng 1.000 m2 của khu vườn, hơn 100 người cùng võng, ghế và những chiếc giường sơ sài nằm ngồi rải rác ở khắp nơi. Chỉ về phía ngoài gần ngõ, nơi có hàng chục chiếc giường bạt xếp ngổn ngang, ông Trọng, quê Hà Nội, vừa đến để chữa bệnh, nói: "Đa số là người mới đến hôm nay. Tôi bị tiểu đường đã lâu nhưng chữa mãi không khỏi, vào đây được 2 ngày rồi nhưng có lẽ mới đến nên chưa thấy bệnh tiến triển gì".
Ngôi nhà nhỏ của chủ vườn luôn chật ních người ngồi yên lặng như đang thiền. Không khí nồng nồng mùi mồ hôi và cái nóng hầm hập từ những tấm bạt che trước cửa khiến không gian càng trở nên ngột ngạt. Bệnh nhân ai nấy đều bơ phờ. Chị An, quê Đồng Xoài, Bình Phước, nói: "Tôi bị gai cột sống đã hơn 4 năm rồi, nhưng uống thuốc tây hoài không hết, ở đây mấy ngày rồi song chưa thấy bớt đau". Ở góc vườn, trên một chiếc võng là một bệnh nhân cũng bị gai cột sống đang nằm bất động. Anh tên Nguyễn Văn Hòa, quê Phú Thọ. "Đã mổ rồi nhưng vẫn không hết đau", anh mệt mỏi không nói gì thêm mà chỉ lắc đầu.
Những người tìm về khu vườn này đa số mắc bệnh nan y, như lời của một bệnh nhân lớn tuổi đang nằm ở đây: "Đã bị bác sĩ chê hay bệnh viện trả về. Không còn cách nào khác đành đến đây". Hai chị em Tâm và Tuyên từ huyện Nhà Bè, TP HCM, đưa mẹ lên để mong sẽ khỏi căn bệnh cao huyết áp mà theo như họ là đã đi chữa ở rất nhiều bệnh viện rồi nhưng không hết. Chị Tâm cho biết, chưa thể nói được về tiến triển bệnh tình của mẹ vì mới lên đây hai ngày.
Trong khi mỗi ngày lại có hàng trăm người từ khắp nơi đổ về đây để chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc, chỉ cầu nguyện này, thì chính người dân tại xã Đức Lập Thượng lại không hề chú ý. Một người ở ngay trong ấp nói: "Chúng tôi ở đây mấy chục năm trời, chưa bao giờ thấy vườn này có gì khác mà bây giờ lại nói có khả năng chữa bệnh. Có ngày, tôi phải trả lời hàng chục cuộc điện thoại của bà con và anh em ở xa gọi đến hỏi thăm".
Hiện nay, bà con trong ấp Tân Hội rất hoang mang. Ngày ngày họ vẫn phải gánh chịu những lời đồn đại mà theo họ là không có căn cứ. Cuộc sống, sinh hoạt cũng bị đảo lộn vì có quá nhiều người lạ vào ấp. Đó là còn chưa kể vấn đề vệ sinh, nguy cơ lây lan các căn bệnh truyền nhiễm từ những bệnh nhân ở nơi khác đến... Quá bức xúc, một số hộ dân ở xung quanh đã phản ứng bằng cách đào đường ngăn không cho xe từ nơi khác đến khu vườn này chữa bệnh, ngoại trừ một số người được xem là "đệ tử" của gia đình chủ vườn. Tuy nhiên, họ không thể ngăn được dòng người nườm nượp kéo đến.
Ông Phan Văn Nuông, Chủ tịch xã Đức Lập Thượng cho biết, trước đây, chính quyền xã cùng cơ quan đoàn thể đã vận động mọi người không nên tin vào cách chữa trị của bà Nguyễn Thị Ngoan và ông Nguyễn Văn Sống; đồng thời yêu cầu chủ khu vườn giải thích rõ cho người bệnh biết gia đình không có khả năng chữa bệnh, nhưng vợ chồng ông Sống không thực hiện. Ông Nuông khẳng định với phóng viên VnExpess: "Chuyện khu vườn có khả năng chữa bệnh chỉ là mê tín dị đoan. Trước mắt, chính quyền tiếp tục vận động không để người dân tìm đến khu vườn để chữa bệnh". UBND huyện Đức Hòa cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị sớm xem xét chỉ đạo giải quyết vấn đề này.
Đến nay, mặc dù Sở Y tế cùng cơ quan chức năng tỉnh Long An đã đến khu vườn, xem xét, lấy mẫu đất và nước nhằm phân tích để có thể giải thích chính xác hiện tượng này. Thế nhưng theo lời một lãnh đạo UBND tỉnh Long An, báo cáo của Sở Y tế chưa đầy đủ, cụ thể nên chưa thể kết luận gì.
Trong thời gian chờ đợi kết luận chính thức của cơ quan chuyên môn, khu vườn của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngoan và ông Nguyễn Văn Sống vẫn không ngừng thu hút bệnh nhân và cả những người hiếu kỳ.
Việt Hòa