Nhìn xuống góc công viên trước Nhà hát Thành phố, hàng cây cổ thụ vắng bóng chỉ có những khối bê tông nặng, máy xúc nạo vét, bà Tuân chép miệng đóng chiếc máy quay trên tay. Bà chỉ xuống tàn tích hồ phun nước, nói thêm: "Chỗ này vốn là hồ phun nước mà Tết năm nào cả nhà tôi cũng chụp một bức ảnh kỷ niệm sau khi ghé đường hoa Nguyễn Huệ, năm nay thì hết rồi, tiếc thật".
Bà Nguyễn Lê Mai Tuân từng là giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Chiều 18/8, bà cùng bạn bè dạo Thương xá Tax để mua hàng giảm giá trước khi nơi này đóng cửa khép lại 130 năm tồn tại. Mua sắm là phụ, ý định chính của nhóm bà Tuân là tranh thủ quay video để giữ lại những đoạn phim về nơi buôn bán một thời là biểu tượng của Sài Gòn.
Không chỉ riêng Thương xá Tax, mà gần một tháng nay khu vực trung tâm Sài Gòn bao gồm 2 tuyến đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi, đoạn từ Nhà hát Thành phố đến trước chợ Bến Thành khoảng gần một cây số, đã trở thành đại công trường. Nơi đây đang được rào chắn để xây dựng nhà ga trung tâm tàu điện ngầm, kết hợp với dự án cải tạo khu vực tòa nhà UBND thành phố, tượng đài Bác Hồ, xây mới Thương xá Tax, di dời tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn ở công viên Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành...
Để xây dựng hạ tầng TP HCM hiện đại hơn, hàng loạt cây xanh cổ thụ phải chịu "hy sinh", hồ nước liễu rủ lãng mạn phủ bóng mỗi sáng chiều ở giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ giờ khô xác xơ thành nơi tập kết gạch đá xây dựng, tòa nhà cũ bị phá bỏ... Cũng như nhiều người Sài Gòn, bà Tuân không giấu được cảm xúc khi tạm biệt những biểu tượng gắn bó cả thế kỷ với thành phố.
“Gắn bó với Sài Gòn 30 năm, tôi thấy tiếc lắm hàng cây và thương xá, những thứ để người đi xa nhận ra Sài Gòn ngay chứ không phải những tòa nhà bóng lộn cao tầng. Mất thương xá người ta mất đi nơi chốn để hoài niệm”, bà Tuân ngậm ngùi.
Bà Tuân nhớ lại, mấy chục năm trước, cứ cuối tuần mấy chị em bà lại được mẹ dẫn vào khu trung tâm Sài Gòn, mê mẩn ngắm nghía những gian hàng lấp lánh ở Tax, sau đó cả nhà đi bộ dọc đường Nguyễn Huệ chui vào con hẻm nhỏ ở quán Bà Cả Đọi để ăn cơm Bắc, rồi lại thả bộ ra bến Bạch Đằng ngắm sông Sài Gòn hoặc ngược về hướng chợ Bến Thành để mua sắm... Giờ đây, mẹ và các chị của bà Tuân đã xuất cảnh, sống ở xa nửa vòng trái đất.
Người phụ nữ trung niên chia sẻ: "Tôi muốn quay phim lại khu vực nhiều kỷ niệm này trước khi nó bị phá hoàn toàn để gửi ra nước ngoài cho các chị và mẹ". Bà cho biết sẽ tiếp tục góp nhặt hình ảnh để làm tư liệu cho con cháu mai sau.
Giống như cô giáo Tuân, chiếc máy ảnh giúp ông Võ Tấn Hùng, một người dân quận 1 lưu giữ những hình ảnh về trung tâm Sài Gòn dịp này. Đều đặn mỗi ngày ông Hùng thức dậy sớm trước giờ đi làm, tạt ngang công trường thi công chụp lại bộ mặt khu công viên nhà hát, đường Lê Lợi, Thương xá Tax để so sánh. Ông nói: “Thương xá gắn bó với gia đình tôi từ thời ông nội đến đại gia đình tôi bây giờ. Với gia đình tôi, đó đâu chỉ là chỗ buôn bán mà mang giá trị tinh thần, khi mất đi không thể kiếm lại".
Người dân Sài Gòn lưu giữ hình ảnh Thương xá Tax trước khi tòa nhà ngưng hoạt động. Ảnh: Khánh Ly |
Nhiều bạn trẻ cũng mang những nỗi niềm về công cuộc thay đổi diện mạo ở thành phố hôm nay. Nếu người trung niên trở lên nhớ về Thương xá Tax, khách sạn Rex, cửa hàng bánh Givral... gắn với ký ức tuổi thơ, thì giới trẻ nhớ về kỷ niệm. Nhóm sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng mang hoài niệm về ngày lễ tết, Giáng sinh khi họ đi qua những con phố rực rỡ ánh đèn đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, hai bên đường tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp rất Tây và cảm xúc tự hào khó tả khi ngắm những công trình đẹp sừng sững.
“Thử tưởng tượng một tòa nhà hiện đại 40 tầng thế chỗ Thương xá Tax đứng trông sang những công trình cổ như Nhà hát Thành phố hay Ủy ban nhân dân, cảm giác kiến trúc không hòa hợp”, Nguyễn Trần Huyền Trang, sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng, nói.
Huyền Trang mới gắn bó với Sài Gòn 4 năm đại học. Điều làm cô gái thấy tự hào và thích thú nhất chính là cảnh quan cổ kính khu nhà thờ Đức Bà và trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ. Cô nữ sinh viên bày tỏ: “Mình luôn tự hào khoe với bạn bè ở nơi khác đến về những hàng cây xanh và những công trình đi cùng năm tháng của Sài Gòn, nên rất tiếc khi phải phá chúng để xây dựng metro".
Không đơn thuần dựa vào cảm xúc như người dân, các kiến trúc sư lại có những phân tích logic, lý tính hơn. Kiến trúc sư Khoa Hữu đánh giá nhiều cao ốc hiện nay ở khu vực trung tâm thành phố như Vincom B, Vincom A, Bitexco, Diamond... chưa sử dụng hết công suất. Do đó không nhất thiết đập bỏ Thương xá Tax mà có thể phục chế lại toàn bộ mặt tiền giống như từng làm với Nhà hát Thành phố. "Nên giữ lại một số chi tiết lâu đời của công trình 130 tuổi, còn toàn bộ phần ruột có thể xây mới và hiện đại hoàn toàn”, anh Hữu nói. Theo kiến trúc sư Khoa Hữu, nếu ai đã đi thăm khu Siam Center của Thái Lan sẽ thấy rằng Thương xá Tax hoàn toàn có thể cải tạo lại và sử dụng hợp lý hơn bây giờ, đáp ứng được sự hiện đại hóa mà vẫn hòa nhập với thiết kế đô thị đã có từ rất lâu.
Kiến trúc sư trẻ chia sẻ kinh nghiệm của một đất nước diện tích nhỏ bé, quá trình phát triển chưa lâu nhưng luôn đặt yếu tố bảo tồn lên hàng đầu là Singapore. Đảo quốc sư tử đã bảo tồn 6.500 tòa nhà và công trình với phương châm: “Duy trì tối đa, phục hồi khéo léo, sửa chữa cẩn thận”.
Thương xá Tax nhộn nhịp xả hàng trong những ngày giữa tháng 8 để chuẩn bị đóng cửa. Ảnh: Hữu Công. |
Cùng trăn trở đó là nhóm kiến trúc sư Đêm Trắng. Các kiến trúc sư này cho rằng khu vực trung tâm Sài Gòn quá nhỏ như khu phố cổ Hội An, để có thể đầu tư cho sự phát triển thành phố trong tương lai: Diện tích nhỏ, đường giao thông nhỏ… "Nhỏ nhưng khu vực này thật sự rất quý, vì nó là biểu tượng lịch sử của Sài Gòn và cả khu vực phía nam", nhóm kiến trúc sư nhận xét.
Hướng đến mục tiêu phát triển, nhóm này cũng cho rằng trăn trở chung của người Sài Gòn là làm sao giữ được những nét đặc trưng thành phố hơn 300 năm tuổi nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Đó là lý do những ngày qua nhiều người mang máy ảnh, máy quay đến Thương xá Tax để ghi lại hình ảnh và cảm xúc, "như lời tạm biệt của người dân Sài Gòn với biểu tượng thân thuộc qua nhiều thế hệ".
Bà Tuân cũng vậy. Cơn mưa chiều đã ngớt nhưng bà vẫn chưa vội về mà cứ nấn ná ở Tax mãi để xem lại những đoạn phim của hơn một giờ ghi hình. "Những hình ảnh về thương xá những ngày cuối sẽ trở thành tư liệu quý trong nhà tôi, như một cuốn album hay một gia tài tinh thần gửi cho người thân ở nước ngoài", bà giáo chia sẻ.
Thương xá Tax đã 130 tuổi, trở thành một biểu tượng để nhớ về Sài Gòn, được xây cùng thời với Nhà hát lớn và Ủy ban nhân dân. Đầu tháng 10, thương xá Tax sẽ ngưng hoạt động phục vụ công tác xây nhà ga metro và chuẩn bị xây dựng trung tâm thương mại mới 40 tầng. Từ cuối tháng 7, tuyến đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi đã được rào chắn, các cây cổ thụ được chặt bỏ để xây ga metro. Dự kiến tiếp theo sẽ di dời tượng đài Trần Nguyên Hãn ở công viên Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành. |
Khánh Ly