Thứ ba, 19/3/2024
Chủ nhật, 7/3/2021, 06:00 (GMT+7)

Người dân thụ phấn cho bưởi Phúc Trạch

Hà TĩnhCuối tháng 2 đến nay, người dân xã Hương Trạch, huyện Hương Khê hái hoa bưởi chua quét phấn lên nhụy hoa bưởi đường nhằm tăng tỷ lệ đậu quả.

Xã Hương Trạch, huyện Hương Khê là thủ phủ của bưởi Phúc Trạch với 360 ha, trung bình mỗi hộ sở hữu từ một sào đến 2 ha đất, trồng 50 đến 400 cây.

Những ngày này, các vườn bưởi ở xã Hương Trạch nở hoa trắng muốt. Người dân nơi đây bắt đầu vào vụ thụ phấn bổ sung cho cây bưởi Phúc Trạch để tăng khả năng đậu quả, thời gian kéo dài từ 15 đến 20 ngày.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, 54 tuổi, trú thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch cho biết, bưởi Phúc Trạch được chia thành 2 loại: bưởi chua và bưởi đường. Bưởi chua được đúc bằng hạt. Bưởi đường nhân giống bằng cách cắt, chiết mắt của cây bưởi đường ghép vào gốc bưởi chua rồi ươm vào bầu.

Hai tuần qua, vào đầu giờ sáng và chiều, ông Sơn trèo lên cây bưởi chua trồng trong vườn nhà hái hoa bỏ vào ống nhựa quàng trước ngực để đưa đi thụ phấn cho cây bưởi đường. Cây bưởi chua cao khoảng 7-10 m, tán rộng 5-7 m, sức sống khỏe, vòng đời khoảng 15 năm song chất lượng quả kém. Cây bưởi đường trung bình tán rộng khoảng 4,5 m, cao 5 m, sau 12 năm phải thay mới.

Hoa bưởi chua được chọn phải đều, cánh mịn, chấm thử vào lòng bàn tay phấn hoa màu vàng rời ra thì khả năng đậu quả khi thụ phấn sẽ cao hơn.

Theo người dân, khoảng 6 năm trước, có đoàn cán bộ nông nghiệp ở miền Bắc về huyện Hương Khê hướng dẫn cách "se duyên" này cây bưởi Phúc Trạch để tăng năng suất. 3-4 năm nay toàn huyện áp dụng đại trà. "Trước kia, nếu để cây bưởi phát triển tự nhiên, tỷ lệ đậu quả khoảng 30% một vườn. Từ khi đem phấn hoa bưởi chua quét lên nhụy hoa bưởi đường, tỷ lệ đạt 80%", ông Bùi Văn Phượng, trú thôn Phú Lễ, nói.

Hoa bưởi chua khi "se duyên" phải ngắt vài cánh. Với những cây thấp, người dân cầm bông hoa di chuyển xung quanh rồi quét phấn lên nhụỵ.

Nhiều người còn chuẩn bị gậy tre nhỏ dài khoảng 4 m, có buộc sẵn vòng thép ở phần đầu cán để gắn hoa, thụ phấn cho những bông bưởi ở trên cao.

Những hộ trồng nhiều bưởi Phúc Trạch như gia đình ông Nguyễn Hữu Sơn (ngoài cùng, góc trái), vào mùa thụ phấn phải thuê 7 đến 10 nhân công làm việc. Tiền công một người 250.000 đồng mỗi ngày.

"Nếu thời tiết thuận lợi, trong 2 ngày 7 lao động có thể thụ phấn cho một vườn bưởi gần 300 gốc", ông Sơn cho hay.

Thời gian thụ phấn đạt hiệu quả nhất là vào buổi sáng. Theo người dân, hoa bưởi dày đặc, khi làm cần phải tỉ mỉ, kiên trì để không bị sót.

Khoảng một tháng sẽ biết cây đậu quả hay không. Vào tháng 4, khi cây định quả, chủ vườn phun thuốc trừ sâu, vài tuần sau bọc quả lại để tránh côn trùng, rám nắng. Đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 thu hoạch.

Chuyên gia nông nghiệp đánh giá, năm nay hoa bưởi chính vụ nở trong giai đoạn thời tiết nắng đẹp nên thuận lợi cho việc thụ phấn bổ sung, cây bưởi dễ đậu quả. Tuy nhiên, thời tiết giai đoạn này đang thiếu độ ẩm, người dân cần tưới thêm nước để đảm bảo quá trình sinh trưởng cho cây.

Ngoài thụ phấn, những cây bưởi đường đã đậu quả song có quả kém phát triển, còi cọc, hình dẹt giống bánh xe sẽ được chủ vườn loại bỏ.

Khi vào mùa, mỗi cây bưởi Phúc Trạch cho khoảng 100 quả, có cây gần 300 quả.

Ông Cao Quốc Hội, Chủ tịch xã Hương Trạch cho biết, đây là cây chủ lực phát triển kinh tế của địa phương, mỗi vụ, một gia đình thu về từ 10 triệu đồng đến 200 triệu đồng tiền bán bưởi tùy theo diện tích trồng. "Mức thu nhập phổ biến của các hộ dân trên địa bàn khoảng 70-80 triệu đồng", ông Hội nói.

Ông Nguyễn Hữu Sơn đang chăm sóc cho hàng chục bầu bưởi đường ươm trong bầu. Bưởi đường được người dân trồng chính để thu hoạch. Thời gian ghép mắt đến khi đưa ra vườn trồng khoảng 7 tháng. Sau hai năm cho quả.

Người dân Hà Tĩnh thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch
 
 

Người dân Hà Tĩnh thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch. Video: Đức Hùng

Đức Hùng