Những ngày này ông Trần Ngọc Vinh cùng vợ tất bật thu hoạch củ kiệu trên cánh đồng xã Bình Phục. Từng bụi kiệu được nhổ lên rũ bỏ đất cát và cắt rễ, lá, còn củ cho vào bao tải đưa ra ven đường bán cho thương lái.
"Vụ này gia đình tôi canh tác hai sào kiệu. Củ nhỏ giá 25.000 đồng/kg, củ lớn hơn 30.000 đồng/kg, trừ chi phí cả hai sào thu khoảng 6 triệu đồng", ông Vinh cho hay.
Theo ông Vinh, cây kiệu trồng từ tháng 7 âm lịch, đến tháng 12 bắt đầu thu hoạch. Năm trước mỗi sào trồng kiệu cho trên 300 kg củ, tuy nhiên năm nay nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn nên sản lượng vườn kiệu của gia đình ông chỉ đạt hơn 200 kg.
Cũng ở xã Bình Phúc, gia đình ông Trần Bích trồng 6 sào kiệu, đầu tư 25 kg giống cùng phân bón, tiền điện tưới nước hết hơn 2 triệu đồng. "Do năm nay năng suất giảm nên sau khi trừ chi phí đầu tư cả 6 sào thì chỉ thu lãi trên 9 triệu đồng", ông Bích nói.
Cây kiệu ở xã Bình Phục trồng trên đất cát, giúp cây phát triển nhanh và cho củ to đều. Đây là vùng trồng kiệu lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Sau khi thu hoạch, một phần kiệu xuất bán tại địa phương, số còn lại được thương lái thu gom bán đi Đà Nẵng và TP HCM.
Mỗi năm kết thúc vụ mùa, người dân giữ lại một ít kiệu làm giống cho vụ sau. Kiệu trồng trên đất cát nên phải tưới nước thường xuyên để cây phát triển. Đến tháng 12 âm lịch, lá kiệu chuyển dần sang màu vàng thì thu hoạch. Tại Quảng Nam, người dân muối củ kiệu với cà rốt, củ cải... làm dưa món ăn kèm với bánh chưng, thịt lợn trong ngày Tết.
Bà Phương, một thương lái cho hay, mỗi vụ bà thu mua gần 100 tấn củ kiệu ở Quảng Nam để phục vụ thị trường Tết. Số kiệu này được bà thuê xe tải chở vào TP HCM. "Đầu vụ giá kiệu khoảng 38.000 đồng mỗi kg nhưng đến nay chỉ còn 30.000 đồng và đang giảm tiếp", bà Phương nói.
Ông Lê Thông, chủ tịch xã Bình Phục thông tin, toàn xã có 200 ha trồng kiệu, năng suất từ 250 đến 300 kg mỗi sào. Năm nay sản lượng của xã ước tính hơn 1.000 tấn củ.