Trưa 20/3, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, 64 tuổi, ngồi trước căn nhà rộng 21 m2, nóng hầm hập. Căn hộ cấp 4 cách đường Võ Văn Kiệt, đoạn qua cầu Lò Gốm chưa tới chục mét nhưng chỉ có đường đất rộng 1,5 m dẫn vào. Bên trong nhà các bức tường nhiều vết nứt nẻ từ lâu được dựng thêm các thanh sắt chống đỡ nhưng không thể xây mới vì thuộc vùng giải tỏa.
Bà Vân cho biết, vợ chồng bà mua căn nhà này từ năm 1998 đến năm 2004 nơi ở được đưa vào diện quy hoạch để xây dựng khu nhà ở và chung cư thuộc dự án khu 3 - Nam Lý Chiêu Hoàng. Từ đó, gia đình không thể chuyển nhượng, tân trang nhà dù xuống cấp theo thời gian.
Gần 10 năm trước, gia đình được chủ đầu tư dự án thỏa thuận bồi thường với mức 6 triệu đồng một m2. Theo bà Vân, khi đó nếu trừ các chi phí, bà nhận được khoảng 110 triệu đồng để dời đi. Cho rằng mức bồi thường quá thấp trong khi căn chung cư ven thành phố lúc đó tối thiểu một tỷ đồng, bà Vân không đồng thuận.
Suốt 20 năm qua, gia đình bà phải sống tạm bợ trong căn nhà chật hẹp. Mỗi khi trời mưa, triều cường, cả nhà khổ sở chống ngập, phải nâng nền nhà lên cao. Do có gia đình con gái sống chung, nhưng không thể cất nhà, bà phải gắn thêm gác bằng khung sắt và tôn để ngủ nghỉ, còn ở tầng trệt vừa đủ chỗ dựng ba chiếc xe máy, bếp và nhà vệ sinh.
"Gia đình tôi rất muốn chuyển đi nơi khác, nhưng cần phải có khoản bồi thường hoặc chính sách hỗ trợ tái định cư phù hợp chứ nhận khoản tiền quá thấp rồi rời đi, cả nhà không biết ở đâu", bà Vân nói.
Cách đó 400 m, hộ ông Trương Ngọc Thành, 54 tuổi, cũng chịu cảnh nhà xuống cấp, chật hẹp. Nhiều năm qua, gia đình 9 người của ông phải sống trong căn nhà cấp bốn chỉ rộng hơn 60 m2. Ông Thành được thừa kế mảnh đất rộng khoảng 2.800 m2 nằm trong khu quy hoạch nhưng hàng chục năm qua vẫn không thể chuyển nhượng, xây cất.
Dù sở hữu đất rộng lớn, gia đình ông không thể xây mới mà ở trong căn hộ cũ bố mẹ để lại. Ông Thành cho biết 7 năm trước chủ đầu tư đưa ra mức bồi thường 3 triệu đồng một m2, gia đình không đồng ý. Theo chủ nhà, dù có thể nhận số tiền khá lớn theo diện tích đất sở hữu nhưng gia đình thấy mức đền bù "thấp đến vô lý", chưa kể nhiều khu đất cạnh nhà không thuộc diện quy hoạch có giá gấp 20 lần.
Qua thời gian, các vách tường nhà ông Thành đã nứt nẻ càng lan rộng, mái tôn dột, la phông thấm nước ô vàng, ẩm mốc mỗi lần sửa chữa phải xin phường tốn thời gian. Việc này cũng đẩy cả nhà vào thế tiến thoát lưỡng nan vì ở cũng khó mà không thể bán hay di dời.
"Vợ chồng tôi đã sống tạm bợ mấy chục năm bây giờ cũng muốn con, cháu có cuộc sống tốt hơn. Nếu có cơ chế bồi thường, giải tỏa thỏa đáng tôi sẵn sàng dời đi để cho con cháu có cuộc sống tốt hơn", người đàn ông 54 tuổi nói.
Hộ bà Vân và ông Thành là hai trong số 188 hộ gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế bồi thường di dời tại dự án Khu 30 - Nam Lý Chiêu Hoàng đã "treo" 20 năm. Theo kế hoạch ban đầu, dự án giải tỏa khu đất rộng hơn 123.000 m2 để xây khu nhà liền kề và chung cư sau đó được điều chỉnh giảm còn hơn 74.000 m2.
Dự án từng được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 4.000 người cùng với trạm y tế, trường học, công viên cây xanh, nhưng đến nay chỉ là những căn nhà tạm bợ, xuống cấp lọt thỏm giữa những khu dân cư khang trang lân cận. Xung quanh khu vực này cỏ mọc ùm tùm, rác thải chất thành núi, kênh rạch ô nhiễm, đường sá đầy bụi bặm.
Ông Nguyễn Huy Thắng, Chánh văn phòng UBND quận 6, cho biết dự án Khu 3- Nam Lý Chiêu Hoàng được thành phố giao cho Công ty cổ phần đầu tư Bình Phú thực hiện từ 2004 đến nay vẫn bất động, gần 200 hộ dân với 600 nhân khẩu bị ảnh hưởng.
Nhiều năm qua, khu này xuống cấp nhưng người dân không thể xây nhà ở, môi trường ô nhiễm, hạ tầng không hoàn thiện, thường xuyên ngập, nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Qua báo cáo của chủ đầu tư, vướng mắc xảy ra do chính sách thu hồi đất bồi thường đã lỗi thời. Ban đầu, việc này thực hiện theo Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đầu tư năm 2004 nhưng qua nhiều năm đã thay đổi.
Theo ông Thắng, giá bồi thường từ chủ đầu tư đưa ra cũng không phù hợp, khá thấp nên người dân không đồng ý. "Trước mắt địa phương dọn dẹp khu vực này đảm bảo vệ sinh môi trường, làm đường, hạ tầng đảm bảo điều kiện đi lại của người dân", ông Thắng nói.
Để xử lý dứt điểm, quận kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường ngừng giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư Bình Phú. Địa phương cũng đề xuất kêu gọi nhà đầu tư khác hoặc dùng ngân sách thực hiện dự án, sớm ổn định đời sống người dân.
Đình Văn