“Mỗi lần Miwon xả nước thải ra sông Hồng ai cũng biết vì mùi đặc trưng", ông Trần Xuân Bản, người dân phố Gát phường Tiên Cát, nói. Theo ông, năm 2007, hệ thống xả cũ của nhà máy chạy qua phần đất của gia đình ông bị vỡ, khiến cây cối, giếng nước của nhiều hộ dân bị ngấm bẩn. Hơn 300 người dân trong phường lo lắng nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe đã phải mua nước sạch của thành phố về dùng.
Trước yêu cầu của người dân cũng như nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động, Miwon đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới gần 8 tỷ đồng. Người dân hy vọng hệ thống xả hiện đại và chuyển sang chỗ mới sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống nhưng mùi hôi thối vẫn tiếp tục gây khó chịu.
Cống xả của Miwon đặt ngay cạnh bến đò Chiều Dương, cách khu xử lý nước thải 200 mét. Ảnh: Tuấn Anh. |
Chiều 3/10, tại bến đò Chiều Dương (phường Tiên Cát), hàng chục khách đợi đò đều bịt mũi hoặc đeo khẩu trang. Họ bàn tán xôn xao chuyện Miwon xả chất thải chưa đạt chuẩn ra bên ngoài.
Vén chiếc khẩu trang khỏi miệng, chị Nguyễn Thị Hà, chủ đò cho biết, hệ thống xả thải của Miwon cách nơi người dân sinh sống vài trăm mét. Bị tra tấn bởi nước thải, một số hộ dân phải chuyển đi nơi khác sống.
Theo nhiều người dân, mỗi lần xả thải, gió sông Hồng thổi bay vào nhà mùi hôi thối nồng nặc. Dân phải đóng kín cửa hay bật quạt liên tục.
Tối 3/10, người phụ nữ lái đò dẫn phóng viên VnExpress.net ra miệng cống xả nước thải của nhà máy. Soi chiếc đèn pin về miệng cống đang chảy xối xả thứ nước đen ngòm, chị cho biết, trước đây, nhà máy xả cả ngày lẫn đêm. Nhưng những ngày gần đây, khi cơ quan chức năng vào cuộc, các cống chỉ xả vào đêm tối hoặc sáng sớm.
Không riêng người dân phường Tiên Cát, nhiều người dân phường Thọ Sơn cũng đang phải đối mặt với ông nhiễm, tiếng ồn và bụi. Ông Phạm Hồng Vạn, tổ trưởng khu phố 2 và 3 của phố Sông Thao nơi có 90 hộ dân sinh sống cho biết, khu phố 2, sát với nhà máy, có 10 người bị mắc bệnh ung thư phổi và vòm họng.
Nhiều người dân ở khu phố 2 cho biết, đã phải bịt hết các cửa sổ và lỗ thông hơi của nhà. Nhiều người không chịu được tiếng ồn đã phải phải bịt bông vào tai và đeo khẩu trang khi đi ngủ.
Tối 3/10, nước xả thải của Miwon vẫn xối xả chảy ra Sông Hồng. Ảnh: Tuấn Anh. |
Tháng 7/2007, trong buổi làm việc với người dân phường Tiên Cát, đại diện Miwon đã thừa nhận có tình trạng khí thải gây khó chịu tức ngực và hứa sẽ khắc phục. Nhưng hơn một năm sau, ngày 22/9, người dân khu vực trên tiếp tục lên tiếng phản đối. Phía Miwon cho rằng, phản ánh của dân là đúng, nhưng không thể xử lý triệt để trong thời gian ngắn.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lee Dong Joon, Giám đốc nhà máy Miwon Việt Nam cho biết, nước thải sinh ra từ quá trình sản xuất lên men mật rỉ đường và tinh bột sắn. Trong quá trình lên men và phân giải các chất hữu cơ vi sinh vật sẽ gây nên mùi khó chịu.
Ông Lee cho rằng, phản ảnh của người dân về các bệnh liên quan đến hô hấp chưa được kiểm chứng xác nhận của cơ quan y tế, để xác định có phải do khí từ nhà máy gây ra hay không.
"Tôi cho rằng việc đổ lỗi hoàn toàn cho Miwon là không khách quan. Khu vực này còn có nhà máy giấy và nhà máy hóa chất hoạt động. Nếu cơ quan chức năng đánh giá việc gây ô nhiễm của Miwon là nghiêm trọng, buộc phải đóng cửa nhà máy, chúng tôi sẽ chấp hành", ông Lee nói.
Công ty Miwon Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) thành lập năm 1994, chuyên sản xuất thực phẩm, chủ yếu là bột ngọt. Nhà máy đóng tại phường Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) với công suất 30.000 tấn bột ngọt một năm. Cuối tháng 9 vừa qua, Cảnh sát môi trường tỉnh Phú Thọ phát hiện Miwon đã sử dụng kết hợp 2 hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, một hệ thống nước thải không được cấp phép. Sáng nay, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Phú Thọ bắt đầu đợt kiểm tra 3 ngày hệ thống xử lý chất thải, tiếng ồn của công ty Miwon Việt Nam. |
Tuấn Anh - Nguyễn Hưng