Trên lưới sắt, ông Thu gắn biển ghi dòng chữ "đất chưa đền bù, mong bà con vui lòng đi đường khác". Xe máy qua đoạn này phải chạy vòng xa hơn khoảng 1 km, ôtô 2 km. Anh Nguyễn Văn Trung (khối Mỹ Xuyên) cho biết mỗi ngày chở con vào trung tâm thị trấn học phải đi đường khác, nhỏ, quanh co, mong chính quyền sớm có giải pháp.
Đường Văn Thị Thừa nối quốc lộ 14H đến đường Chu Văn An, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, dài gần 1 km, rộng 11 m, được thảm nhựa. Đường chia hai làn xe, đi qua khối phố Phước Xuyên đến Mỹ Xuyên, mỗi ngày có hàng nghìn xe máy, ôtô lưu thông.
Giải thích về hành động rào đường, ông Trần Văn Thu cho biết quá bức xúc khi chính quyền chậm giải quyền đền bù đất cho gia đình. Năm 2019, thị trấn Nam Phước mở tuyến đường Văn Thị Thừa đi qua phần đất của gia đình ông rộng hơn 1.200 m2, là đất ở đô thị. Trước khi thu hồi, ông Thu được chính quyền thị trấn cam kết đất đổi đất, sau 6 tháng sẽ bàn giao đất.
Gia đình ông sau đó bàn giao đất để làm đường song "bốn năm qua chính quyền hứa hẹn nhiều lần mà chưa thực hiện". Cuối năm 2022, huyện thông báo thay đổi phương án, từ đất đổi đất sang đền bù 200 m2, hơn 1.000 m2 còn lại áp giá bồi thường hơn 1 triệu đồng mỗi m2. Ông chấp nhận lấy 200 m2 đất, song giá đền bù hơn 1 triệu đồng mỗi m2 thì không đồng ý vì cho rằng quá thấp so với giá đất thị trường địa phương (7-8 triệu đồng m2).
"Đây là đất của tôi, chưa được đền bù nên có quyền căng dây, không cho xe cộ qua lại. Tôi sẽ rào đường cho đến khi được đền bù thỏa đáng mới tháo dỡ", ông Thu nói.
Hàng xóm của ông Thu, ông Nguyễn Ngọc Xinh, 69 tuổi đã bàn giao 350 m2 đất ở và trồng cây lâu năm cho dự án. Khi tuyến đường mở ra, ông hiến 170 m2, còn 180 m2 được chính quyền cam kết đất đổi đất. Tuy nhiên cũng như ông Thu, bốn năm sau, ông Xinh chưa được bàn giao đất.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó chủ tịch huyện Duy Xuyên, cho biết dự án do thị trấn làm chủ đầu tư, quá trình thu hồi thực hiện phương án hoán đổi đất là trái với quy định. Sau khi rà soát, huyện phát hiện sai phạm nên đã hủy các quyết định trước đây.
Thay vào đó, người dân bị thu hồi đất sẽ được bù 200 m2 đất, diện tích còn lại đền bù theo giá nhà nước. Phương án này chưa được người dân đồng ý, nhưng ông cho biết sẽ vận động để họ chấp thuận quy định và tháo hàng rào cho phương tiện qua lại.
"Dự án này thực hiện bằng việc người dân hiến đất sản xuất, còn đất ở chỉ xem xét hỗ trợ. Theo quy định, đất ở của người dân thu hồi được đền bù một lô 200 m2, số đất còn lại đền bù bằng tiền theo giá nhà nước", ông Đức thông tin.