Ngày 15/8, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đến xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đối thoại với người dân gần nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh, sau hơn nửa tháng họ chặn đường không cho xe chở rác vào nhà máy, do lo ngại ô nhiễm.
Hội trường UBND xã Phổ Thạnh với sức chứa khoảng 200 người hầu như không còn chỗ trống. Nhiều người bắc ghế đứng ngoài cửa sổ để theo dõi diễn biến. Trước trụ sở ủy ban, hàng trăm người cầm băng rôn, biểu ngữ, đồng thanh yêu cầu "dời nhà máy".
Ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì đối thoại, cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban Dân vận Tỉnh ủy và lãnh đạo địa phương. Hàng chục cảnh sát có mặt bảo vệ trật tự.
Sau phần phổ biến nội quy, nhiều người dân đứng lên nêu bức xúc liên quan đến nhà máy xử lý rác. Cụ thể, nhà máy đặt ở đầu nguồn nước, quá gần khu dân cư, khi xây dựng không lấy ý kiến người dân. Trước đây, bãi cũ chỉ chứa rác của xã Phổ Thạnh, sau đó, UBND huyện cho chở rác các xã khác trong huyện về xử lý.
Chất độc tích tụ lâu ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe. "Tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ khu vực này rất cao", người đàn ông nhăn nhó nói, giọng nghèn nghẹn.
Bà Đỗ Thị Đa, thôn Thạch Bi, trần tình, trong cuộc đối thoại vừa qua, đại diện Sở Tài nguyên đã đọc các thông số, chỉ số liên quan đến nhà máy, nhưng người dân không hiểu các thông số này. Về chỉ số môi trường nước, được cho là trong giới hạn cho phép, bà cho rằng nhà máy mới hoạt động nên nước chưa ô nhiễm.
"Đúng ra chúng tôi đã phản ứng bốn năm trước, khi mới có hố rác chứ chưa xây nhà máy. Nhưng chính quyền địa phương hứa sau này sẽ làm nhà máy ở xã Phổ Nhơn chứ không phải Sa Huỳnh, nên chúng tôi im lặng", bà lớn giọng.
Người phụ nữ cho hay buổi đối thoại vừa qua, chủ tịch huyện hứa sẽ có nguồn nước sạch đưa về, nhưng chờ nguồn nước này thì người dân "đã ung thư hết". "Nhà máy xử lý bằng công nghệ đốt ai đảm bảo là tốt. Dù xử lý hiện đại cỡ nào thì vẫn ô nhiễm 5-10%. Nhà máy được cấp phép hoạt động 49 năm, mỗi năm chúng tôi chịu 5% ô nhiễm thì nhân lên là bao nhiêu?", bà Đa lập luận và đặt câu hỏi.
"Dân nói ra thì cán bộ nói nhà máy xây dựng mấy mươi tỷ, bao nhiêu tỷ có đủ để đánh đổi bệnh của chúng tôi và con em không?", bà gằn giọng và nói dứt khoát, nếu họp dân từ đầu thì không ai đồng tình.
Ông Nguyễn Thịnh - Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ trả lời, nhà máy được cấp phép đúng quy định, phù hợp với quy hoạch, nên huyện không đồng ý di dời. Cả huyện có 25 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày, trong khi đó, nhà máy có công suất đến 50 tấn mỗi ngày. Không thể xây dựng mỗi xã một bãi rác vì quy hoạch phải tập trung.
Không hài lòng với câu trả lời của ông Thịnh, người dân bên dưới đồng thanh phản ứng, la ó. Một người đàn ông cầm tập tài liệu phát biểu, khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư theo công bố là 513 m, nhưng thực tế người dân đo được chỉ dưới 400 m.
"Người dân chỉ thấy trực quan chứ không tin vào những chỉ số, quy trình. Nếu như nhà máy nào cũng hoạt động đúng quy định thì đã không có những vụ xả thải như của Formosa hay Vedan", ông lý luận.
Người đàn ông này cũng dẫn quy định của pháp luật về lấy ý kiến của dân khi lập dự án và cho rằng huyện Đức Phổ thực hiện tham vấn ý kiến không đúng quy định pháp luật.
Những phát biểu phản đối nhà máy được hàng trăm người vỗ tay ủng hộ. Trong khi đó, hai ý kiến đề xuất người dân cử người giám sát hoạt động của nhà máy đều bị họ gạt đi.
Sau khi cấp dưới trả lời, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng hỏi người dân cách xử lý lượng rác tồn đọng trước khi xây nhà máy (khoảng hơn 22.500 m3), vì nếu để lâu sẽ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Một số người giãy nảy: Sao không xử lý từ trước mà đến bây giờ mới nói chuyện xử lý? Nhiều người đồng thanh: Chúng tôi sẽ tự đốt.
Chủ tịch đề nghị xử lý kẻ "kích động", người dân tiếp tục phản ứng
Kết luận buổi đối thoại, ông Trần Ngọc Căng thừa nhận, huyện đã "làm hơi tắt" khi xây dựng nhà máy, khi lấy ý kiến từ mặt trận, đoàn thể là chính chứ không phải người dân chịu ảnh hưởng.
"Tôi thay mặt lãnh đạo huyện Đức Phổ thời điểm đó và của tỉnh xin lỗi bà con điều đó, có thiếu sót", ông Căng vừa nói xong, những tràng vỗ tay phía dưới vang lên.
Sau đó, người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi khẳng định phải xử lý lượng rác cũ tồn đọng. "Hai năm mới đốt hết bãi rác này chứ không phải ngày một ngày hai", ông Căng nói và cho biết nếu người dân đốt tự phát thì toàn bộ nguồn nước sẽ ô nhiễm nặng, và đề nghị nhà máy có phương án đốt.
Ông nói thêm, phải xử lý lượng rác mới phát sinh vì nếu để lâu sẽ có mùi hôi. Nếu ách tắc, thời gian nữa thì cả huyện ô nhiễm. "Nhà máy phải thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường", ông Căng nhấn mạnh.
"Còn người dân, tôi yêu cầu bức xúc thì phản ánh chính quyền. Còn trường hợp sai phạm, những anh nào cầm đầu kích động, gây rối loạn trên địa bàn tỉnh, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Chủ tịch tỉnh nói. Vừa dứt lời, người dân ở dưới lại la hét vang hội trường.
Trong lúc đó, ông Trần Ngọc Căng nhắc lại quan điểm: "Tôi đề nghị Giám đốc Công an tỉnh xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu, để đảm bảo cho kinh tế-xã hội và an ninh chính trị, đảm bảo thu hút đầu tư".
Lúc này, người dân bỏ chỗ ngồi, nhao nhao lớn tiếng phản đối. Một số người vây lãnh đạo xã Phổ Thạnh để chất vấn. Một số khác vây quanh đại tá Võ Văn Dương - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi tranh luận, họ khẳng định người dân bức xúc chứ không có kẻ cầm đầu kích động.
UBND xã Phổ Thạnh tiếp tục bị vây quanh trong vòng nửa giờ, sau đó người dân bỏ về, tiếp tục chặn đường lên nhà máy xử lý rác. Sự việc kéo dài từ 29/7 đến nay.
Bãi rác Sa Huỳnh được hình thành hơn 10 năm trước, ban đầu chỉ chứa rác xã Phổ Thạnh nhưng sau đó chứa rác toàn huyện. Năm ngoái, Công ty MD được tỉnh cho chủ trương đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý bằng công nghệ đốt. Nhà máy đi vào hoạt động từ đầu năm nay.