Trước đó vào tối 13/11, khi đang đứng trước cổng nhà ở tổ 10 (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), ông Võ Văn Toán (46 tuổi) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân trái. Dù được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình cấp cứu kịp thời nhưng do chất độc phát tán nhanh nên 2 ngày sau ông Toán phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng chân sưng phù. Ngay sau đó, ông Toán được truyền máu, hiện sức khỏe dần ổn định.
![anh-5-7644-1416298746.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/11/18/anh-5-7644-1416298746.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=j6pR6bzP0AHJncwytkFfbg)
Ông Võ Văn Toán (bìa phải) và ông Nguyễn Bảy đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: H.T
Tiếp đó vào tối 16/11, sau khi lên bệnh viện thăm ông Toán về, ông Nguyễn Bảy (52 tuổi, hàng xóm ông Toán) bị một con rắn lục đuôi đỏ cắn vào người. Nhờ sơ cứu kịp thời nên sức khỏe ông Bảy nhanh chóng hồi phục.
Khoảng một tháng trở lại đây, ngoài huyện Thăng Bình, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Nam như Điện Bàn, Tiên Phước, Quế Sơn… người dân liên tục phát hiện và bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Ngoài ông Toán, còn 7 trường hợp khác cũng bị rắn cắn, trong đó có 2 người nguy kịch.
Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã đưa ra khuyến cáo, khi bị rắn cắn nên sơ cứu tại chỗ và sớm đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu ngay, không được chủ quan, tự ý điều trị tại nhà vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Khi bị rắn lục cắn tuyệt đối không được cử động để không làm tăng sự phát tán nọc độc, cảnh giác đặc biệt trong mùa mưa lũ, mùa gặt hái và ban đêm", bác sĩ Ẩn nói.
Tiến Hùng