Những ngày cuối tháng 4, cánh rừng ngập mặn hơn 60 ha trải dài bên bờ sông Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) tạo thành mảng xanh rộng lớn khi nhìn từ trên cao.
Ông Nguyễn Văn Chính ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang cho hay vùng quê này được bao bọc bởi bốn bề sông và cửa An Hòa vây quanh. Mỗi lần mưa bão xuất hiện là ruộng đồng bị bồi lấp, nhà cửa, mồ mả bị sạt lở.
Để cứu làng, những thế hệ người Tam Giang trước đây đã trồng cây chắn sóng như mắm, bần, đước tạo thành khu rừng rộng hàng trăm ha ven sông.
Đến năm 1995, phong trào nuôi tôm thẻ trân trắng nở rộ, nhiều hộ dân bắt đầu "xẻ thịt" rừng để đắp bờ làm ao nuôi tôm. Được vài năm, tôm bị dịch bệnh, rớt giá nên hàng trăm ao hồ bỏ hoang để lại cánh rừng ngập mặn thưa thớt cây.
Năm 2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào Quảng Nam và "ốc đảo" xã Tam Giang bị thiệt hại nặng nề; thiên tai gây xói lở đất, nhà cửa bị tốc mái, ghe thuyền không có nơi trú ngụ. Lúc này người dân địa phương mới nhìn thấy sai lầm trong việc phá rừng nuôi tôm. Họ bảo nhau phải khôi phục lại cánh rừng bị mất. Chính quyền xã cùng người dân cầu cứu nhiều nơi để có nguồn hỗ trợ trồng mới rừng ven sông.
Tháng 6/2014, xã Tam Giang được Trường Đại học Kinh tế Huế hỗ trợ một ha cây đước, bần và mắm trồng thử nghiệm.
"Mỗi thôn cử đại diện chăm sóc số cây mới trồng lên với nhiệm vụ được phân công rõ ràng như: Khi rác thải tấp vào thì thu dọn để cây phát triển; cắm biển hướng dẫn không ai được xâm phạm, gây hại cây", ông Chính kể vào cho hay sau một năm trồng, cây phát triển tốt.
Từ kết quả này, năm 2015 huyện Núi Thành cấp 3,2 tỷ đồng để trồng 27 ha rừng tại các thôn xã Tam Giang nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi cánh rừng mới được trồng, chính quyền xã ban hành quy chế cộng đồng quản lý và sử dụng rừng ngập mặn, với quy định nêu rõ khai thác thủy hải sản không được gây hại đến rừng ngập mặn.
Cá nhân nào chặt tỉa cây ngập mặn phục vụ công tác chăm sóc rừng phải có sự giám sát của tổ chức, cá nhân nhằm tránh ý đồ gây hại rừng. "Xã cấm hoạt động lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất rừng ngập mặn trái phép; chặt phá, đào bới đất rừng ngập mặn để khai thác thủy sản hay làm ao nuôi trái phép", ông Phạm Văn Châu - Phó chủ tịch xã Tam Giang thông tin.
Theo ông Châu, bên cạnh hơn 60 ha rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục trồng mới, giao lại diện tích cho những hộ, nhóm hộ để bảo vệ.
Ông Trần Thái, thôn Đông Xuân chia sẻ, "cánh rừng được khôi phục tạo thành một hành lang che chắn cho dân làng, nên cần phải ra sức bảo vệ và trồng thêm rừng thì làng xóm mới an cư mà lập nghiệp".