Hôm nay là ngày thứ tư người dân Quảng Nam trải qua đợt lũ. Con số thiệt hại gia tăng với 10 người chết, 10 người mất tích, chủ yếu do sạt lở đất ở miền núi. Vùng ngập lũ ít thiệt hại bởi bà con phần lớn biết cách chung sống.

Lũ về, ông Đặng Ngọc Hiền, mang tài sản lên gác lửng tránh lũ. Ảnh: Đắc Thành.
Là vùng rốn lũ của Quảng Nam, 17 xã và một thị trấn của huyện Đại Lộc nằm dọc sông Vu Gia và Thu Bồn. Nước hai sông tràn bờ là nhà dân ngập, đường sá biến thành sông, nhưng người dân hiếm khi di tản.
Trưa 5/11, nhà ông Đặng Ngọc Hiền (75 tuổi, xã Đại Hiệp) ngập hơn 30 cm. Ngồi trên tấm nệm kê cao, ông Hiền kể cứ vùng đất này thường xuyên ngập lũ. Mỗi lần di chuyển tài sản, đưa người đi trú tránh rất khổ. Cha ông đúc rút được kinh nghiệm sống chung với lũ và truyền lại cho con cháu.
Người dân thiết kế nhà luôn có gác lửng. “Bộ khung nhà có sẵn, gia chủ chỉ để mấy thanh xà gồ, đóng ván giống như trần nhà. Khi lũ về, nơi này chứa tài sản, đồng thời cũng là chỗ ăn ngủ cho mọi người trong gia đình”, ông Hiền nói.
Với cách làm này, lũ dâng cao gia đình ông Hiền lên gác ở. Lũ ngập mái nhà, chiếc ghe để sẵn phía ngoài, mọi người dỡ ngói chui ra đi sơ tán. Trừ đợt lũ lịch sử, còn lũ vừa vừa bà con không bị mất mát tài sản, tính mạng được an toàn.
Mỗi lần lũ đi qua là lại thiếu nước sạch, người dân vùng rốn lũ Đại Lộc có cách khắc phục rất đơn giản. Họ dùng túi nylon phủ quanh miệng giếng và buộc chặt bằng dây cao su. “Nước đục bẩn không xâm nhập vào giếng, sau lũ có nước sạch dùng ngay", ông Hiền nói.

Mỗi nhà dân ở huyện Đại Lộc sắm một chiếc ghe đi lại trong trong lũ. Ảnh: Đắc Thành.
Gần tối 5/11, căn nhà ông Lê Đức Phương (71 tuổi, xã Đại Phong) ngập nước hơn 50 cm. Gia đình có đến hai người già, ba người trung niên và một trẻ con nhưng không đi sơ tán. Đồ đạc được ông Phương cùng con gác lên cao, mọi người ngồi trên giường kê ghế tránh bị ướt.
Phía nhà dưới, con dâu ông bật bếp gas nấu nướng. Bữa ăn đầy đủ món như ngày thường có cơm, cá khô, canh bí xanh và chuối xào. “Nước còn thấp chúng tôi kê bếp gas lên cao nấu, nước ngập sâu chuyển bếp lên gác, cả gia đình ăn ở trên đó đến lúc nước rút mới xuống", ông Phương cho hay.
Đêm xuống, bà Nguyễn Thị Sáu (60 tuổi, xã Đại Phong) sống một mình trong ngôi nhà nằm bên bờ sông Vu Gia. Lúc này, nước lũ dâng mấp mé thềm nhà nhưng người phụ nữ lớn tuổi này vẫn không mấy lo lắng.
Tài sản gồm máy giặt, tủ lạnh… nằm dưới nền thấp, nhiều vật dụng khác chưa được đưa lên cao. Bà Sáu chia sẻ, căn nhà cấp bốn được xây dựng kiểu nhà ống. Trên phòng ngủ bà làm gác lửng, cao gần 3 m, rộng 10 m2. Dựa vào đỉnh lũ lịch sử năm 1999, bà đo từ mực lũ năm đó và làm gác cao hơn một mét.
“Có năm đến bốn đợt lũ, nếu tôi không có gác thì chạy đi sơ tán suốt, tài sản ngập nước. Từ ngày làm gác, nước sắp vào nhà tôi nhờ hàng xóm đưa tài sản lên. Với cách làm này gần 20 năm nay, tôi chưa một lần chạy lũ, tài sản không bị hư hỏng", bà Sáu tâm sự.

Mưa lũ dài ngày nhưng gia đình ông Lê Đức Phương có cơm và thức ăn đầy đủ. Ảnh: Đắc Thành.
Bà Sáu nói thêm, lũ về người dân lùa trâu, bò lên núi, gò cao ở; lợn, gà vịt, cho vào lồng rồi đưa lồng lên bè. Nước lên bè nổi nên không bị thiệt hại. Tại địa phương, một số hộ chăn nuôi quy mô lớn đầu tư xây nhà tránh lũ cho gia súc.
Phó chủ tịch huyện Đại Lộc, ông Hồ Ngọc Mẫn bày tỏ, nhiều đời sống chung với lũ, người dân đã đúc rút được kinh nghiệm. Hầu hết ở địa phương nhà nào cũng xây gác lửng, tuy nhiên những vùng thấp trũng khi có dự báo bị ngập sâu thì chính quyền vẫn yêu cầu người dân sơ tán.
“Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, trong thời gian qua huyện xây dựng khoảng 200 nhà. Số nhà này đều có gác lửng để phòng tránh, cất giữ tài sản khi nước vào”, ông Mẫn thông tin.
Bữa cơm trong mùa lũ của gia đình ông Lê Đức Phương.
6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, tiến sâu vào nam Tây Nguyên, bão giảm còn cấp 9 (90 km/h) và đến 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh gây mưa to suốt dọc từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Thống kê đến sáng nay, toàn khu vực có 69 người chết, 30 người mất tích. |