Áo mưa trùm kín người, đầu đội mũ cối, chân đi ủng, ông Đinh Xuân An (49 tuổi, trú xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) cho hay ông vừa đi cắt cỏ phía bên trong trường quay của phim Kong: Skull Island. Từ hai hôm nay, bộ phim bom tấn về nhân vật khỉ đột khổng lồ được khởi quay ở phim trường thứ hai tại khu vực Hang Chuột, xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa,Quảng Bình).
Ông An kể người dân vẫn được phép ra vào canh tác, trồng ngô và cắt cỏ cho trâu bò ở khu vực phim trường kéo dài khoảng 3 km. Sáng sớm nay, trời trở rét nên ông cùng ba phụ nữ trong thôn quang gánh lên đồi cắt cỏ. "Tôi được thông báo từ tuần trước là có đoàn làm phim lớn của Mỹ về, mình vẫn được đi lại bình thường miễn sao không lại gần khu vực quay phim là được", ông An nói.
Trong buổi sáng, ông và bà con cắt đầy hai bao cỏ, gánh về cho gia súc. Ở xã miền núi phía tây Quảng Bình, ông An cho hay ít có điều kiện xem phim Mỹ nhưng khi nói về việc quê hương được lên phim bom tấn Kong: Skull Island, người đàn ông ngũ tuần cười lớn chia sẻ: "Tôi thấy rất tự hào, phấn khởi và vinh dự".
Trong khi đó, anh Cao Thanh Tuấn (27 tuổi) chạy xe máy cùng chiếc cuốc trên tay để vào làm cỏ cho ruộng ngô. Anh Tuấn cũng như nhiều người dân vô cùng hiếu kỳ khi có đoàn phim hùng hậu về quay ở địa phương. Nhiều người tụ tập đến gần cửa Hang Chuột để xem đoàn tác nghiệp nhưng đều không tiếp cận được.
Trong cơn mưa lâm thâm, nhiều học sinh cũng tranh thủ cuối buổi học đạp xe đến xem sự kiện "chưa từng có". Để phục vụ xe tải ra vào phim trường thuận lợi, một đường cấp phối dài gần 3 km được đoàn phim xây dựng và tặng lại cho địa phương như một kỷ niệm. Con đường trước kia vốn nhỏ hẹp, lầy lội vết chân trâu bò nay rộng lớn hơn đang được nhiều người dân bàn nhau đặt tên "King Kong" để nhắc nhớ về bộ phim này.
Chung tâm trạng phấn khởi, anh Đinh Kim Phượng (trú xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa) đầy hào hứng khi hồ nước Yên Phú gắn liền với tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ được chọn làm bối cảnh đầu tiên của phim Kong: Skull Island. "Bãi cỏ rộng cạnh hồ nước là nơi lũ trẻ thường đá bóng, thả diều mỗi khi chiều về. Không ngờ cảnh vật thôn quê lại được lên phim cho cả thế giới xem", anh Phượng nói. Bãi cỏ này là bối cảnh các diễn viên cầm súng trường chiến đấu chống lại quái vật trâu nước.
Người dân Yên Phú được đoàn phim chi trả 65.000 đồng/ngày cho một con trâu, bò để nhốt ở trong chuồng, nhằm phục vụ bối cảnh quay hoang sơ, không xuất hiện sự sống của con người trong phim. Bà Trương Thị Hồng (45 tuổi, trú xã Trung Hóa) cắt chuối cây cho bò ăn vì trước đó nhận tiền ba ngày giữ trâu bò ở nhà. "Họ rất thân thiện, cười nói lịch sự", bà Hồng nhận xét.
Tương tự, ông Cao Quang Bắc, trưởng thôn Yên Phú thông tin rằng người dân rất hài lòng với cách làm việc, thái độ của nhân viên đoàn làm phim. "Trâu bò được trả tiền thức ăn khi không phải thả rông, còn ruộng lạc hay ngô bị lốp xe cán đều được đền bù hợp lý".
Ngoài ra, việc cả đoàn làm phim hơn 200 người chuyển đi hai ngày trước nhưng không hề để lại một cọng rác trên bãi cỏ hay đường làng ở Yên Phú cũng nhận được sự ngạc nhiên xen lẫn thán phục từ người dân về sự chuyên nghiệp của đoàn.
Ông Lê Thanh Lợi, lãnh đạo một đơn vị du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng, chia sẻ: "Việc Hollywood chọn vùng thôn quê Quảng Bình để quay phim chứng tỏ quê hương mình đẹp. Khi lên hình cho toàn thế giới xem, nhiều người biết đến sẽ quảng bá và giúp phát triển ngành du lịch".
Trong ngày hôm nay (25/2), các cảnh quay cuối đang được bấm máy trong thời tiết mưa lâm thâm, rét nhẹ để kết thúc 4 ngày quay tại Quảng Bình. Dự kiến, đoàn xe chở máy móc, trang thiết bị rời Minh Hóa đến tỉnh thứ hai là Ninh Bình ngay trong đêm nay, trong khi dàn sao di chuyển vào sáng mai.
>> Các thành viên đoàn phim chia sẻ hình ảnh ở Quảng Bình
Hoàng Táo