Tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc công bố các biện pháp khuyến khích phụ nữ tiếp tục làm việc sau khi sinh con. Một trong số đó là kế hoạch mở rộng dịch vụ trông, giữ trẻ từ lúc tan học đến tối để bố mẹ có thời gian làm việc lâu hơn. Kế hoạch này vấp phải sự phản đối của người dân Hàn Quốc, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ cũng như các nhà giáo dục.
Lee Su-ah, 39 tuổi, mẹ của học sinh lớp tiểu học tại quận Gwangjin, Seoul, tin rằng trẻ em cần ở bên cha mẹ để phát triển tình cảm. Năm ngoái, cô phải gửi con trai đến trường tiểu học vì không có ai trông. Khi đến đón con, Lee thấy cậu bé ngồi bần thần trong lớp, nhìn vu vơ và lật qua lại một trang sách. "Tôi vừa đau lòng vừa hốt hoảng. Việc không được bố mẹ chăm sóc ở độ tuổi tiểu học thật sự là thiệt thòi lớn cho trẻ em", cô nói và sau đó đã quyết định nghỉ việc.
Chuyên gia cho rằng "điều thực sự cần thiết không phải là dịch vụ chăm sóc mở rộng mà là văn hoá công sở cần linh hoạt, cho phép người lớn cân bằng giữa gia đình và việc kiếm tiền".
Jeon Hee-yiyng, Chủ tịch Liên minh giáo viên và cán bộ giáo dục Hàn Quốc (KTU), cho rằng chính phủ để ngành giáo dục gánh trách nhiệm này mà không cân nhắc kỹ. "Tệ hơn bất cứ điều gì, chính sách này không có lợi cho học sinh. Một đứa trẻ không thể đến trường lúc 8h sáng và về nhà lúc 10h tối, thời gian đó quá dài, trẻ có cảm giác phải học quá lâu, gây ảnh hưởng tâm lý", Jeon nói.
Liên đoàn các Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc (KFTA) cũng chỉ trích kế hoạch này của chính phủ. Cho Sung-chul, phát ngôn viên của tổ chức này, cho rằng việc tăng thời gian ở trường của học sinh không giúp tăng tỷ lệ sinh. "Chúng ta còn cần cân nhắc đến những gì cần thiết, có ích cho trẻ em chứ không chỉ vì sự thuận tiện cho người lớn. Cái chính phủ cần xem xét là giảm áp lực công việc, cuộc sống cho người lớn để có thời gian chăm sóc con cái", ông nói.
Ở khía cạnh bớt gay gắt hơn, Chung Ik-joong, giáo sư về phúc lợi xã hội tại Đại học nữ Ewha, cho rằng để có sự đồng thuận của người dân, chính phủ cần minh bạch nội dung và hoạt động trẻ sẽ được tham gia trong những giờ học kéo dài đó, làm sao chứng minh được chúng tốt cho sự phát triển của trẻ.
Hiện, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa phản hồi về những chỉ trích trên.
Thanh Hằng (Theo Korea Times)