Ngày cuối tháng 7, trong phòng khách rộng khoảng 20 m2 trên đường Thanh Đa, anh Viễn tỉ mỉ chà nhám rồi dùng cọ sơn dặm lên những ly trà.
Không gian ngôi nhà như một phòng thiền với tượng, tranh về chủ đề Phật giáo trang trí xung quanh. Một tủ kính lớn cùng vài chiếc bàn bày biện hàng trăm bộ ấm trà. Người đàn ông 49 tuổi dành một góc nhỏ phòng khách làm nơi làm việc.
Ba năm nay, anh Viễn theo đuổi nghề dùng vàng để sửa đồ gốm. Thông thường, mọi người dùng keo, bột để hàn gắn đồ gốm hư hỏng. Tuy nhiên một số người đam mê gốm sứ, sưu tập đồ cổ thì vá bằng vàng có giá trị thẩm mỹ cao hơn. Ngoài ra với bộ ấm trà, khi dùng vàng sẽ an toàn, không gây mùi cho nước trà lúc pha.
Kỹ thuật dùng vàng vá đồ gốm của anh Viễn là Kintsugi xuất xứ từ thế kỷ 15 ở Nhật Bản. Vốn đam mê sưu tập ấm trà xưa cũ, trong thời gian giãn cách vì dịch Covid 19, anh Viễn bắt đầu học hỏi về Kintsugi trên mạng, các hội nhóm cùng sở thích. Ban đầu anh chỉ nghĩ thử học để biết tự sửa những đồ hư hỏng trong bộ sưu tập của mình. Tay nghề dần nâng cao, anh được nhiều người nhờ hàn vá vết nứt, vỡ của đồ gốm rồi dần thành một công việc thường xuyên như hiện tại.
"Tôi gọi công việc của mình là hàn gắn vết thương, tái sinh những vụn vỡ, có người thì nói vui là nghề chữa lành đồ gốm", anh nói.
Vật phẩm cần anh tái sinh thường là những gốm sứ cổ xưa, phần lớn là ấm trà và bình. Có những đồ vật mà chi phí vá vàng tốn kém hơn mua lại đồ mới nhưng chủ nhân vẫn chấp nhận bởi là kỷ vật có giá trị tinh thần với họ.
Để vá một món đồ gốm, anh Viễn phải thực hiện nhiều công đoạn. Sau khi đánh giá mức độ hư hỏng, người thợ cần lau sạch bụi bẩn, chà nhám để làm phẳng bề mặt quanh lỗ thủng, vết nứt trước khi đi một đường keo có phủ bột vàng để tạo thành lớp kết nối với những vỡ. Mỗi đường keo phải đi liền mạch nhằm giữ tính thẩm mỹ cho miếng vá. Sau đó tiếp tục dán băng keo định hình lại và chờ cho lớp keo khô lại.
Lớp keo ban đầu khô, anh tiếp tục đi thêm một đường keo trước khi phủ bồi thêm những miếng vàng. Sau khi bồi, người thợ sẽ đánh bóng cho bề mặt miếng vá mịn khớp như hiện trạng ban đầu.
Mỗi công đoạn tùy theo mức độ hư hỏng có thể mất vài giờ đến hàng tháng. Anh Viễn sử dụng loại keo chuyên dùng trong nha khoa và vàng 24K. Đây là các vật liệu an toàn cho sức khỏe người sử dụng, độ kết dính cao.
Trong các công đoạn vá đồ gốm, khó nhất là khâu định hình các vứt nứt, vỡ bởi chỉ làm không khớp sẽ phải tháo ra thực hiện lại từ đầu. Ngoài ra với những vứt nứt lớn hoặc vỡ thành nhiều mảnh, sẽ khó hàn gắn và phải bồi thêm nhiều miếng vàng lá để khôi phục lại hình dáng ban đầu.
Để tăng vẻ đẹp cho đồ vật khi vá bằng vàng, anh Viễn sẽ tạo hình những đường nứt vỡ, vết chắp vá trở nên sinh động, có dụng ý nghệ thuật. Vết vá có thể được tạo thành hình cách điệu lá sen, bông hoa, trái tim, dòng suối, giọt nước, tia sét... tùy vào sự sáng tạo thợ hoặc theo yêu cầu của chủ nhân món đồ.
"Nhờ tạo hình đường vá vàng mà đồ vật sau sửa chữa trở nên sống động, giàu cảm xúc hơn", anh Viễn chia sẻ.
Phí sửa đồ gốm dao động từ từ 300.000 đồng đến hàng triệu đồng, phụ thuộc vào mức độ hư hỏng hoặc loại vàng mà chủ nhân đồ vật yêu cầu. Mỗi ngày anh thường dành 5-6 tiếng làm việc, một tháng chữa khoảng 15 món đồ.
"Tôi không xem đây là công việc chính, mà là thú vui giúp thỏa mãn đam mê sưu tầm, sửa chữa đồ gốm. Ngoài ra, tôi hạnh phúc vì cảm nhận được niềm vui của khách hàng khi thấy những món đồ, kỷ vật họ trân quý lành lặn như ban đầu", anh Viễn cho biết.
Quỳnh Trần