Ông Đạt đã 60, còn bà Liên kém chồng một tuổi. Đến nay, vợ chồng ông bà đã kết hôn được 36 năm, con cái đủ nếp, đủ tẻ và đều thành đạt. Nhưng đến lúc hai người về già cần nương tựa vào nhau, ông lại kiên quyết đòi ly hôn bà.
Tới phiên xử phúc thẩm giữa tháng 9 diễn ra tại TAND Hà Nội, ông Đạt đã ba lần đưa đơn để mong toà xem xét, giải quyết ly hôn cho mình. Vừa mới khỏi bệnh, thỉnh thoảng ông quay lưng, ngồi sát bà. Nhìn vậy, không ai nghĩ cả hai đang trong một phiên xử ly hôn.
Sức khoẻ yếu nên ông được chủ tọa cho phép ngồi để trình bày nguyên do dẫn đến phiên xử phúc thẩm lần này. Cũng như tại phiên toà do TAND quận Hai Bà Trưng mở trước đó không lâu, ông trình bày vợ chồng cưới nhau từ năm 1979. Hai ông bà sống cùng bố mẹ và có thời gian hạnh phúc.
Hạnh phúc sau đó dần rạn nứt, do giữa vợ chồng xuất hiện những mâu thuẫn. Ông cho rằng, vợ có quan hệ nam nữ với đồng nghiệp “không đúng đắn”, đã nhiều lần nói chuyện để vợ rút kinh nghiệm nhưng không đạt được kết quả. Mặt khác, ông đưa ra lý do khiến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng là do vợ đối nhân xử thế với bạn bè, gia đình không được tốt.
Giọng to, ông trình bày tiếp, khoảng 10 năm trước vợ chồng đã sống ly thân. Giữa ông với bà không còn sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, ngay cả về kinh tế cũng riêng biệt. Con cái, bạn bè đã xúm lại khuyên giải để cứu vãn mối quan hệ nhưng không có kết quả.
“Năm 2013, tôi có gửi đơn đến TAND quận Hai Bà Trưng để xin giải quyết ly hôn”, ông Đạt nói nhưng sau đó đã rút đơn để vợ chồng được đoàn tụ. Tuy nhiên, không lâu sau ông thấy mâu thuẫn “quá trầm trọng” nên quyết xin ly hôn để ổn định cuộc sống. Ông đệ đơn ra toà đòi ly hôn lần thứ hai.
TAND quận Hai Bà Trưng đã bác đơn xin ly hôn của ông, vì bà Liên khẳng định giữa hai người không có mâu thuẫn lớn, cũng như chưa xảy ra xô xát, to tiếng bao giờ. Nhiều năm chung sống, bà cùng chồng nuôi dạy các con khôn lớn, thành đạt. Ngay cả khi ông bị tai biến vào cuối tháng 3/2013, bà một mình chăm sóc chồng. Nhưng khi ông xuất viện, bà không hiểu sao chồng không về nhà mà ở lại chỗ chị gái một thời gian.
“Ông ấy sau đó thuê căn hộ chung cư và có tình mới nên muốn ly hôn”, bà tố ngược lại chồng. Việc toà sơ thẩm bác đơn của ông cũng đã xem xét đến nguyện vọng của người phụ nữ trung niên khi trình bày: “Tôi bị ung thư cổ tử cung nên muốn vợ chồng đoàn tụ để chăm sóc cho nhau, cũng như giữ gia đình cho con cháu”.
Đến nay, khi cùng chồng ba lần tới toà, bà vẫn tha thiết mong toà giữ cho mình một gia đình trọn vẹn, không bị chia cách.
Chủ tọa phiên phúc thẩm cho rằng, ông bà có thời gian tìm hiểu nhau rất kỹ lưỡng trước khi tiến tới hôn nhân vì cả hai học cùng trường. Hai người hiện đã có tuổi, con cái đều lớn, nên rất cần là chỗ dựa cho nhau.
“Tôi đã nói ở phiên sơ thẩm, đến chết cũng muốn toà giải quyết ly hôn, kết thúc cuộc hôn nhân không còn tình cảm này”, ông Đạt nói. Ông tố thêm rằng, thời gian bị bệnh, chỉ có gia đình bên nội chăm sóc mình. Thời gian thuê căn hộ chung cư, ông nhờ một phụ nữ giúp việc để đỡ đần, chứ không có tình cảm trai gái gì. “Bà ấy biết tôi bị tiểu đường nhưng còn gửi kẹo đến”, ông trình bày và chỉ về gói kẹo “tang vật” để ở bàn luật sư. Nghe chồng nói vậy, bà Liên chỉ im lặng.
Xem xét trình bày của vợ chồng ông, cấp phúc thẩm xét thấy, việc đoàn tụ để bà Liên có cơ hội, điều kiện cải thiện tình cảm, hàn gắn quan hệ vợ chồng là nguyện vọng chính đáng. Toà phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác kháng cáo xin ly hôn của ông Đạt.
Sau phán quyết trên, ông Đạt cho hay, một năm nữa sẽ tiếp tục gửi đơn xin ly hôn vợ.
Việt Dũng
* Tên nhân vật đã thay đổi.