Du khách đến thăm quan Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) thường trông thấy một người đàn ông tàn tật ngày ngày chống gậy vượt núi bảo vệ lăng mộ Đinh Tiên Hoàng. Ông Nguyễn Văn Năm (53 tuổi, quê ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) đã làm công việc “gàn dở” ấy miệt mài hơn 30 năm qua.
Sinh ra trên mảnh đất cố đô, tuổi thơ của ông Năm thường được nghe kể nhiều câu chuyện hào hùng về Đinh Bộ Lĩnh - chàng thiếu niên cưỡi trâu bày trận giả sau này đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn.Từ đó, ông mang lòng kính ngưỡng sâu sắc với vị vua đã khai sinh ra nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta.
Thuở thiếu thời, mỗi lần đi chăn trâu, cậu bé Năm thường cùng đám bạn trèo lên đỉnh núi Mã Yên, nơi có lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng cắt cỏ cho trâu ăn rồi bày trò đánh trận giả ôn lại cố tích.
"Ngày ấy, lũ trẻ trong làng vì hiếu kỳ nên rất thích lên khu lăng mộ chơi. Chúng tôi lấy khu vực lăng vua làm trung tâm hoàng cung, các hang đá xung quanh được bố trí là nơi ẩn nấp của quân ta và giặc. Sau những trận giao tranh quyết liệt đội nào thua phải quét dọn sạch sẽ khu lăng mộ rồi mới được ra về", ông Năm hồi tưởng.
Lăng mộ vua Đinh trước kia vì không có người trông coi nên khá vắng vẻ, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, lại được táng trên đỉnh núi cao nên khách về hành hương cũng thưa thớt. Mãi năm 1982, Ban quản lý di tích cố đô mới thông báo tuyển người trông coi, quét dọn lăng mộ nhưng không lương nên không ai nhận. Ông Năm tình nguyện đến xin làm rồi trở thành quản trang cho đến bây giờ.
“Ngày đầu tiên nhận việc, ai cũng bảo tôi gàn dở nhưng tôi đã quyết nên không ai cản được. Tôi đem rựa phát quang đường lên xuống núi, lau chùi rêu xanh phủ mờ trên bia đá, mộ phần. Xong xuôi tôi thắp một nén nhang báo cáo mình chính thức nhận công việc “trông nhà” cho vua. Với tôi công việc này là một niềm vinh dự lớn”, ông Năm nói.
Công việc chính của ông Năm ngoài quét dọn khu vực lăng mộ còn phải chuẩn bị hương nến và mâm lễ nhỏ cho du khách hành hương. Mỗi lần có khách xa đến dâng hương, ông Năm còn làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Ông có thể kể rành rọt những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết về con người, sự nghiệp vua Đinh Tiên Hoàng và những giai thoại về mảnh đất cố đô khiến ai cũng thích thú.
Cứ thế 34 năm trôi qua, ngày nắng cũng như mưa, ông Năm đều đặn leo núi quét dọn lăng mộ tỉ mỉ, cẩn trọng, không để ai nhắc nhở.
Vốn lành lặn nhưng một lần trèo núi quét dọn năm 1997, ông bị ngã rồi thành người tàn tật. “Hôm ấy trời mưa, biết đường trơn khó đi, người nhà can ngăn nhưng tôi vẫn quyết lên núi vì sợ lũ trẻ nghịch ngợm phá phách hoặc gió quật ngã cây làm hư hại lăng mộ thì tôi có tội lớn”, ông Năm kể.
“Cơn mưa nặng hạt, đường trơn, dốc đá dựng đứng không bám được đế giày, hạt mưa thì cứ xối xả vào mặt người. Lên gần đến đỉnh núi thì tôi đuối sức, do bất cẩn vướng cây mà tôi ngã nhào ra sau và cứ thế lăn lóc trên bậc đá. Tỉnh dậy thì thấy nằm trong bệnh viện. Mọi người bảo tôi may mắn được tổ tiên, thần linh che chở nếu không đã mất mạng”, ông kể tiếp.
Sau lần đó, hai tay, hai chân ông co quắp khó cử động, ông thành người tàn tật. Công việc trông coi lăng mộ ông nhờ mẹ mình giúp sức, cụ Dương Thị Sửu, khi ấy đã trên 80 tuổi.
Nhiều người nghĩ sau lần ngã núi ấy, ông Năm sẽ bỏ hẳn cái nghề “vác tù và hàng tổng”, nhưng ít tháng sau, dân làng lại thấy ông chống gậy tập leo núi. Sau hai năm kiên trì tập luyện, ông đã chinh phục được đỉnh Mã Yên sơn và tiếp tục công việc đến nay.
Người khỏe mạnh trèo được 265 bậc đá chênh vênh từ dưới đất lên đỉnh núi phải mất nửa tiếng, nghỉ 3-4 chặng. Riêng ông Năm dù tay chống gậy, lưng đeo làn đựng đồ lễ nhưng chân bước thoăn thoắt ít người theo kịp.
Mỗi ngày, ông dậy từ 5 giờ sáng, nấu cơm mang lên núi ăn trưa, xong ông kiểm tra lại lễ vật gồm hoa quả, bánh kẹo, hương, nước… và bắt đầu cuộc hành trình leo núi. Ông bảo, trước kia chỉ 15 phút là leo đến đỉnh nhưng từ ngày tàn tật ông phải mất gần tiếng đồng hồ mới đến nơi.
Du khách lên đỉnh núi Mã Yên viếng lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng đều rất khâm phục ông Năm. Bà Lê Thị Bích Thục, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, việc trông coi, quét dọn lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng được trung tâm giao cho ông Năm làm tự nguyện, không lương từ nhiều năm nay. “Dù tàn tật nhưng ông Năm rất chăm chỉ, chưa từng để xảy ra sơ suất gì”, bà Thục nói.
Đinh Bộ Lĩnh quê ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Gia Viễn, Ninh Bình), từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh kiệt xuất. Năm 968 sau khi dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất giang sơn ông lên ngôi hoàng đế xưng vương là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình. Trị vì đất nước được 12 năm nhà vua bị gian thần hãm hại. Sau khi mất, thi hài ông được an táng trên đỉnh núi Mã Yên (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư). Năm 1840, dưới thời vua Minh Mạng thứ 21, lăng Đinh Tiên Hoàng được xây dựng lại bằng đá với quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản. Phía trước dựng bia đá có dòng chữ: “Đinh triều - Tiên Hoàng đế chi lăng”. Từ lăng vua Đinh nhìn ra xa phía tay trái là núi Ngọc, núi Rồng, trước mặt là sông Hoàng Long và toàn bộ Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. |
Phương Vy - Lê Hoàng