Pedro Luca đã sống trong hang động suốt 40 năm qua tại một ngọn núi ở thị trấn San Pedro de Colalao, tỉnh Tucuman, miền bắc Argentina. Theo AP, ở tuổi 79, Luca sống với "những người bạn" là hai con dê và 11 con gà trống.
Ông không cần tới điện hoặc nước. Mỗi khi đói, ông lấy súng trường đi săn. Ông đi bộ khoảng 3 tiếng tới một nhánh sông gần đó để lấy nước. "Đó là nơi có nguồn nước tinh khiết nhất, nhiều nhất", Luca nói.
Người đàn ông cô độc thức dậy lúc 3h sáng khi lũ gà trống ông nuôi cất tiếng gáy chào ngày mới. Việc đầu tiên trong ngày của Luca là nhóm một đống lửa, mà theo ông, đó chính là "ma thuật" giúp ông tồn tại ở đây. Sau đó, lũ dê và gà lang thang kiếm ăn gần hang. Chúng trở về vào buổi tối để có nơi trú ẩn và tránh các loài thú ăn thịt.
Mỗi ngày, Luca đi lại khoảng 3 tiếng ở vùng núi. Làn da của ông bị thời tiết khắc nghiệt tàn phá, ông cũng chỉ còn vài chiếc răng nhưng trông khá trẻ so với một người đàn ông 79 tuổi.
Thi thoảng, Luca cũng đến chợ ở thị trấn San Pedro de Colalao để mua nhu yếu phẩm như nến, ngô, men rượu. Luca có tiền trợ cấp tuổi già do chính phủ cung cấp, khoảng 100-200 USD. Ông lấy số tiền này ở bưu điện thị trấn. Đồ dùng công nghệ duy nhất của Luca là một chiếc radio nhỏ chạy bằng pin. Tuy nhiên, ông hiếm khi dùng được radio bởi sóng ở vùng núi rất yếu.
Nói về lý do sống cuộc sống đơn độc trong hang, Luca cho biết từ nhỏ ông đã muốn gần thiên nhiên.
Luca được ông nội nuôi từ nhỏ. Năm 14 tuổi, Luca rời khỏi đây để đi du lịch Argentina rồi kiếm sống bằng nghề chở than đến Bolivia.
Sau này, Luca trở lại sống trong hang động. Việc sống một mình suốt 40 năm khiến ông trở nên nổi tiếng. Hang động của ông là điểm đến của nhiều khách du lịch và học sinh trong vùng.
"Tôi chưa bao giờ tự hỏi bản thân vì sao mình chọn nơi này. Gần đây cũng có một cái hang khác, nhưng tôi thích hang này hơn", Luca nói. Ông kể rằng đôi khi ông cũng muốn chu du khắp thế giới, nhưng giữa các châu lục có biển cả rộng lớn nên ông sẽ mất rất nhiều thời gian.
Xem thêm: Ngủ trong hang động để tiết kiệm tiền lương gửi về nhà
Văn Việt