TAND TP HCM ngày 16/7 xét xử sơ thẩm lần hai giữa nguyên đơn là ông Huỳnh Hữu Thông (Việt kiều Mỹ) kiện Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (thuộc Bệnh viện Mắt Sài Gòn) bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo nội dung vụ án, trong lần về nước năm 2009, ông Thông thấy mắt hơi mờ nên đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn (chi nhánh Bệnh viện mắt Thái Thành Nam) khám. Bác sĩ chẩn đoán ông bị đục thủy tinh thể, chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp phaco.
Sau phẫu thuật, mắt ông Thông đau nặng hơn, không nhìn thấy. Ông đến gặp bác sĩ và được kê đơn thuốc uống cùng dung dịch nhỏ mắt. Không yên tâm, ông Thông tiếp tục đến Bệnh viện Mắt TP HCM khám lại thì được chẩn đoán bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc, sẽ mù vĩnh viễn nếu không chữa trị kịp thời.
Ông Thông quay về Mỹ điều trị với chi phí 46.700 USD. Sau đó, ông về Việt Nam yêu cầu Bệnh viện Mắt Sài Gòn bồi thường toàn bộ chi phí điều trị bên Mỹ và tiền mất thu nhập trong thời gian này, tổng cộng gần 80.000 USD. Nguyên đơn cho rằng, mắt bị giảm thị lực là do "các bác sĩ Bệnh viện Mắt Sài Gòn cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp".
Tuy nhiên, Bệnh viện mắt Thái Thành Nam không đồng ý, chỉ đề nghị hỗ trợ 8.500 USD nên ông Thông khởi kiện.
Tháng 4/2014, TAND TP HCM bác yêu cầu của ông Thông. Theo HĐXX, sau khi mổ ông Thông đã được bệnh viện tái khám nhưng sau đó tự ý bỏ về Mỹ mà không có thỏa thuận với bệnh viện. Nguyên đơn nói khi về Mỹ giữa ông và các bác sĩ Bệnh viện Mắt Sài Gòn có trao đổi và hứa hẹn qua điện thoại, nhưng bị đơn phủ nhận việc này. Tòa sơ thẩm cũng cho là không đủ cơ sở kết luận nguyên nhân ông Thông bị phù và loạn dưỡng giác mạc là do bác sĩ Bệnh viện Mắt Sài Gòn mổ.
Không đồng ý với phán quyết này, ông Thông kháng cáo toàn bộ bản án.
Đầu năm 2015, Tòa TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Thông, buộc bệnh viện bồi thường hơn 47.000 USD (gần một tỷ đồng) là chi phí bồi thường thiệt hại. Tòa đình chỉ xét xử phần đòi bồi thường gần 40.000 USD mất thu nhập do ông Thông rút yêu cầu.
HĐXX phúc thẩm cho rằng, kết quả giám định cho thấy Bệnh viện Mắt Sài Gòn có lỗi do không thực hiện theo quy trình phẫu thuật do chính bệnh viện ban hành. Trước khi vụ án được thụ lý, phía bệnh viện đã thương lượng với bệnh nhân để bồi thường 8.500 USD. "Nếu không có lỗi thì bệnh viện không cần thiết phải thương lượng bồi thường", bản án nhận định.
Tòa cũng cho rằng đã nhiều lần triệu tập hợp lệ bác sĩ Thái Thành Nam (trực tiếp phẫu thuật cho ông Thông) đến phiên xử để trình bày ý kiến về chuyên khoa mắt với giám định viên, song ông này không có mặt. Tại phiên tòa phúc thẩm, bác sĩ Trần Phạm Duy (đại diện cho ông Nam) cũng khẳng định trong quy trình mổ mắt cho ông Thông, Bệnh viện Mắt Sài Gòn đã không có trách nhiệm chỉ định và theo dõi hậu phẫu.
Bản án này sau đó được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm do đề nghị của Bệnh viện mắt Thái Thành Nam. Tháng 3/2016, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để làm rõ chứng cứ liên quan đến số tiền đòi bồi thường.
Tại phiên sơ thẩm lần này, đại diện của ông Thông nộp cho tòa 27 hóa đơn chữa trị tại Mỹ với tổng số tiền trên hóa đơn là 56.000 USD, yêu cầu phía bệnh viện bồi thường. Phía bị đơn giữ nguyên quan điểm chỉ hỗ trợ cho ông Thông 8.500 USD. Do các bên không đạt được thỏa thuận nên HĐXX tiếp tục phiên tòa.
Phía bệnh viện cho rằng sau khi mổ, ông Thông đã tái khám hai lần, bác sĩ cho thuốc và hẹn tái khám lần 3 nhưng bệnh nhân không đến. Bị đơn không hẹn chữa trị tại Mỹ rồi đưa hóa đơn về chi trả như ông Thông trình bày. Về các hoá đơn ông Thông nộp cho toà, đại diện bệnh viện cho là không đủ căn cứ xác định chi phí chữa trị mắt của ông Thông.
HĐXX dừng phiên tòa, tiếp tục làm việc vào ngày 23/7.
Hải Duyên