Hôm 24/2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết bệnh nhân nhập viện cách đây 10 ngày trong tình trạng đờ đẫn, sốt cao, lạnh run, đau đầu dữ dội, sưng đau khớp và xuất hiện các tử ban tím thẫm ở đùi và cẳng chân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm khuẩn não mô cầu, điều trị bằng kháng sinh liều cao.
Hiện tại, sức khỏe người bệnh đã cải thiện rõ rệt, hết sốt, tỉnh táo hơn và các tử ban trên da đang mờ dần. Bệnh viện phối hợp với cơ quan phòng dịch để theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần. Theo đó, hai người nghi nhiễm bệnh được điều trị sớm, giúp ngăn chặn nguy cơ diễn tiến nặng, tạm thời kiểm soát được nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bệnh nhiễm não mô cầu lây qua đường hô hấp, có thể gây nhiều bệnh cảnh khác nhau tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục. Thường gặp và khá nguy hiểm là hai thể bệnh viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết.
Trong đó, nhiễm trùng huyết tối cấp có thể gây tử vong nhanh chóng, có thể chỉ trong vòng vài giờ. Mới đây, một quân nhân 23 tuổi ở phía Bắc tử vong do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Năm ngoái, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ghi nhận người phụ nữ 52 tuổi nhiễm não mô cầu tử vong do phát hiện và đưa đi cấp cứu muộn.

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân ghi nhận vi khuẩn não mô cầu. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Não mô cầu có thể gây thành dịch, thường lan rộng tại các tập thể đông đúc như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, trại lính, nhất là các tập thể mới được thành lập, chật chội. Bệnh thường gặp ở trẻ em 6 tháng đến 3 tuổi hoặc thanh thiếu niên từ 14-20 tuổi, gia tăng khi có sự thay đổi thời tiết như cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Việt Nam gần đây chỉ ghi nhận báo cáo những trường hợp bệnh lẻ tẻ.
Để phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng. Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh tại các cơ sở y tế. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Lê Phương