Theo Sở Y tế tỉnh Đăk Nông, một năm trước, người này xuất hiện khối u vùng đỉnh đầu, được chẩn đoán là u mỡ. Một tuần trước, người bệnh đau tức nhiều tại khối u, sờ thấy căng cứng, vào Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, tỉnh Đăk Lăk, khám.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm xương sọ chẩm tụ mủ dưới da đầu đỉnh, được bác sĩ xử trí ổ viêm và lấy mẫu làm xét nghiệm. Ngày 19/4, kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu dương tính với Burkholderia pseudomallei, vi khuẩn gây bệnh Whitmore, còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".
Đây là người đầu tiên tại Đăk Nông được ghi nhận mắc Whitmore - căn bệnh đã bị lãng quên nhiều năm và xuất hiện trở lại trong vài năm gần đây.
Sau khi ghi nhận ca Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân phòng tránh bệnh lây lan, bằng cách đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc. Nếu có vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn, nên làm sạch hoàn toàn.
Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở. Hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Số bệnh nhân thường liên quan và tỷ lệ thuận với tình trạng mưa lũ. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore.
Ngọc Oanh