Tranh thủ cuối tuần thời tiết đẹp, anh Nguyễn Trường Sơn, 34 tuổi, ở huyện Hoài Đức đưa chiếc OV-10 Bronco ra sân bay Đan Phượng để vận động. Chiếc máy bay mô hình, phỏng theo mẫu máy bay cường kích và trinh sát hạng nhẹ của Mỹ, được anh chế tạo với sải cánh 5 m, nặng 60 kg. Nơi cất cánh quen thuộc của chiếc máy bay này là sân bay tư nhân đầu tiên được Bộ Quốc phòng cấp phép năm 2020 với giới hạn độ cao 50 m, bán kính 300 m.
Là dòng máy bay to, khi đưa ra sân chiếc OV-10 phải được ráp đầu với đuôi, sau gắn thêm cánh, phụ kiện, kiểm tra kỹ càng các đầu nối dây điện và ốc vít phải bắt chặt. Trước mỗi ngày bay, anh Sơn đều đến xưởng để kiểm tra máy móc, hệ thống điều khiển. "Chỉ cần một sai sót nhỏ có thể khiến máy bay rơi, gây tổn hại về tài sản và sự an toàn của những người xung quanh", anh Sơn, phóng viên của một đài truyền hình, nói.
Cả gia đình không ai theo nghề hàng không, nhưng từ nhỏ cậu bé Sơn đã mê mẩn những chiếc máy bay. "Nhà tôi ở Yên Bái, gần sân bay quân sự nên trưa nào cũng được nghe tiếng gầm rú của máy bay phản lực Mig 21. Người lớn bảo đau đầu, nhưng tôi mê lắm, toàn trốn ngủ trưa để ra xem", anh kể.
Khi học cấp hai, Sơn tình cờ biết đến câu lạc bộ máy bay mô hình Hà Nội. Nhưng đầu những năm 90, máy bay mô hình là thứ xa xỉ, cậu tự tìm hiểu trên sách báo, thư viện của trường về động cơ đốt trong và hệ thống vận hành với ước mơ được xuống Hà Nội để học và tự tay chế tạo một sản phẩm của riêng mình.
Năm 2004, khi là sinh viên năm nhất Đại học Sư Phạm Hà Nội, Sơn tìm đến câu lạc bộ máy bay mô hình và được ông Đinh Công Đức khi đó là phụ trách câu lạc bộ hàng không phía bắc, hướng dẫn cách lắp ghép mô hình hoàn chỉnh.
"Sơn là người có năng khiếu, còn trẻ nhưng rất có đam mê, là một trong những người có tay nghề cao, kỹ thuật tốt lại ham học hỏi. Hiện tại ở Hà Nội ít người có thể theo kịp", ông Đức, 60 tuổi, nhận xét.
Sau khoảng hai tuần thực hành với toàn bộ nguyên vật liệu có sẵn, chiếc máy bay có sải cánh khoảng 1,5 m, động cơ đốt trong nhỏ, dung tích khoảng 10 cc, lực kéo 4-5 kg được hoàn thiện.
Sau lần hướng dẫn đó, Sơn học thêm về cấu trúc và bắt đầu chế tạo. Qua từng sản phẩm anh đúc rút kinh nghiệm, để chiếc sau hoàn thiện hơn lần trước, nhưng hạn chế tối đa sai sót vì nguyên vật liệu đắt.
"Gan lớn thế nào tôi cũng không dám nói với bố mẹ đang chơi máy bay mô hình, chứ nói gì đến chuyện xin tiền. Cách duy nhất để theo đuổi đam mê là đi làm thêm", anh cười. Vốn thích chế tạo đồ công nghệ, Sơn xin làm cộng tác viên cho chương trình Góc sáng tạo của VTV, đồng thời cộng tác với các đơn vị quân đội để chế tạo, lắp ráp dòng máy bay nhỏ phục vụ cho các buổi diễn tập pháo phòng không.
Là một trong những người trẻ đầu tiên chơi máy bay mô hình ở Hà Nội, đến nay anh Sơn có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo và điều khiển máy bay đủ các kích cỡ, kiểu dáng khác nhau. Chiếc nhỏ nhất có sải cánh 1,5 m và lớn nhất là 5 m, thân được làm từ gỗ balsa nhập khẩu từ Nam Mỹ hoặc nhựa composite (keo composite pha vải thuỷ tinh) bởi trọng lượng nhẹ, bề mặt nhẵn, mịn và độ bền cao. Riêng động cơ phải đặt mua.
Trong gần 100 máy bay các loại được cất giữ tại xưởng, anh nhẩm tính có hơn 40 chiếc máy bay cánh bằng và hơn 40 chiếc trực thăng, đều là loại cỡ lớn, phần lớn là các dòng máy bay quân sự Mỹ đã sử dụng trên chiến trường Việt Nam như L19, OV10, A7, UH1...
"Tôi đam mê với máy bay quân sự nên tìm cách phục dựng lại với tỷ lệ thu nhỏ, vì muốn thấy chúng cất cánh trên bầu trời", anh bộc bạch và cho biết khoảng 7-8 năm gần đây bắt đầu tập trung chế tác các dòng máy bay cỡ lớn.
Để chế tạo một chiếc máy bay hoàn chỉnh buộc phải trải qua năm bước cơ bản: Nghiên cứu kỹ các tài liệu về dòng máy bay định phục dựng; Vẽ trên máy tính; Đưa vào máy cắt laser; Lắp ghép vỏ; Lắp động cơ và kết nối với bộ điều khiển.
"Nghe có vẻ đơn giản nhưng kỹ thuật hàng không là một bộ môn đòi hỏi nhiều trí óc, công sức", Sơn cười. Người làm buộc phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng về điện, điện tử, cơ khí, làm mộc, cũng như hiểu rõ biên dạng của máy bay, độ cong của góc cánh, sự cân bằng giữa động cơ và trọng lượng hay hệ thống càng đáp chịu được lực nén bao nhiêu khi tiếp đất... "Chỉ khi mọi thiết kế từ vỏ cho đến động cơ hoàn hảo, người chơi mới dám cho máy bay cất cánh", anh nói.
Trên thực tế máy bay mô hình có nhiều loại, nhưng phổ biến là máy bay thể thao, có thể bay, nhào lộn và dòng máy bay scale (mô hình thu nhỏ máy bay thật). "Nhưng dòng scale mất rất nhiều thời gian trong việc khắc hoạ chi tiết cho giống thật. Việc này lâu gấp nhiều lần so với lúc chế tạo thân máy, lắp ráp và để bay được", anh nói và cho biết, tùy dòng máy bay, người làm có thể mất vài tháng đến vài năm để ra sản phẩm.
Không có nhiều kinh nghiệm trong chế tạo, sợ rủi ro trong quá trình bay, sân bay chưa đủ điều kiện, khiến những người chơi máy bay mô hình ở Hà Nội thường chỉ chế tạo các loại máy bay bằng xốp hoặc mua thân vỏ máy bay bán sẵn về lắp ráp linh kiện. Chỉ có khoảng 20 người chơi chuyên nghiệp, tự tin chế tạo được máy bay cỡ lớn. Trong số đó, anh Sơn là người sở hữu nhiều chiếc máy bay độc lạ, chế tạo năm chiếc lớn nhất Việt Nam và là người duy nhất chuyên làm máy bay to.
Chiếc máy bay đắt nhất trong bộ sưu tập của anh Sơn có giá khoảng 100 triệu đồng. Biết anh có nhiều mô hình độc lạ, không ít người ngỏ ý mua nhưng anh không bán, vì mỗi chiếc làm ra đều độc nhất, có kỷ niệm riêng và mất rất nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện.
Bận rộn với công việc, nhưng hàng tuần anh cùng nhóm chế tạo đều đem máy bay ra bảo dưỡng, sau đó đưa ra sân bay khởi động. Không dễ như việc điều khiển ô tô, anh nói chơi máy bay mô hình đòi hỏi tính kiên trì rất cao, mọi sai sót đều phải trả giá bằng tiền, sự nguy hiểm của phi công và những người xung quanh.
"Chế tạo và điều khiển máy bay dạy tôi tính kiên trì, cẩn trọng để nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách khách quan hơn. Nên nhiều lúc công việc căng thẳng, tôi lại "đi bay"", anh nói.
Quỳnh Nguyễn