Một ngày năm 2008, tại cung điện Potala khu tự trị Tây Tạng, như thường lệ du khách khắp nơi trên thế giới bắt đầu đổ về. Trong đám đông, một số người đến để giải trí, số khác hành hương. Nhưng có người lại đến đây để tự vẫn. Đó là Tào Thịnh Khang, một người đàn ông mù. "Muốn tìm một mảnh đất tịnh độ để giải thoát nên tôi đã đến Tây Tạng", Tào nhớ lại.
Bị mù từ năm 8 tuổi sau tai nạn giao thông, Tào Thịnh Khang, ở An Huy, từng hơn một lần "muốn chết". Sự trêu chọc của bạn bè buộc anh phải bỏ học, với dân làng anh là "đồ bỏ đi". Với bố mẹ, cách duy nhất để bảo vệ con mình là suốt ngày nhốt trong nhà. Khi ăn, anh chỉ mò mẫm một mình, đôi khi lỡ tay làm rơi đồ ra bàn, lại bị bố mắng thậm tệ.
Một lần bị bạn bắt nạt, Tào vớ hòn đá bên đường đập vào đầu đối thủ. Bố mẹ đứa bé đòi bồi thường. Trong cơn tức giận, người bố cầm que tre dài cả mét đánh vào đầu con. Máu chảy dài trên má nhưng không ai chữa vết thương cho anh. Mấy ngày sau Tào đi cắt tóc, người thợ hét lên: "Ai đã đánh cháu, tóc và máu dính chặt vào nhau rồi, làm sao mà cắt". Đó là lần đầu tiên cậu bé 9 tuổi muốn chết.
Cuộc sống ác mộng như vậy kéo dài đến khi Tào kết hôn. Vợ cũng coi thường anh, sau khi sinh con gái đã ôm con bỏ nhà đi. Chán nản, chàng trai rời quê đi học massage. Năm 2007 anh mở một cửa hàng ở Bắc Kinh, công việc kinh doanh thuận lợi.
Lẽ ra Tào vẫn sống tốt nếu không bị mê hoặc bởi "cơn cuồng chứng khoán". Kết quả trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, anh thua lỗ nặng. Cửa hàng massage phải đóng cửa, lần thứ hai Tào nghĩ tới cái chết và nói với người bạn về ý định này. Không ngờ, người bạn nói: "Nơi đẹp nhất trên thế giới là Tây Tạng, nếu muốn chết ở đó tôi sẽ không ngăn cản anh". Thực ra người bạn muốn ngăn cản vì Tây Tạng là nơi người mù gần như không thể đến. Nhưng người này lại không hiểu bao năm vật lộn với số phận, Tào chưa từng biết "cái đẹp" là gì và cũng chưa ai nói về cái đẹp với anh.
"Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy trong cuộc đời mình, trước khi chết nhất định phải đến nơi đẹp nhất này để chiêm ngưỡng". Với chút tiền cuối cùng, Tào lên đường.
Ngày đặt chân tới Tây Tạng, Tào khóc hai lần. Lần đầu, anh hỏi mình: "Mục đích đến đây là gì? rồi nhanh chóng tự trả lời: "Tự tử". Câu trả lời này khiến anh gục ngã, bởi nghĩ rằng có một nơi tuyệt đẹp như thế này mà bản thân lại sắp chết. Lần thứ hai khi leo lên đỉnh cung điện Potala, Tào được mọi người xung quanh khen ngợi. "Một người mù leo lên đỉnh chỉ với một cây gậy. Anh quá giỏi vì nhiều người bình thường còn chẳng leo nổi". Ngay lúc đó, người đàn ông này hiểu rằng bản thân muốn được sống hơn bao giờ hết.
Trước khi đến Tây Tạng, Tào chỉ muốn tìm một cõi thanh tịnh từ giã cõi đời, nhưng cuối cùng lại tìm được mục đích sống mới: Đi du lịch.
Kể từ đó, anh dành bốn năm đi khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc, sau đó lại muốn đi nhiều nơi khác trên thế giới. Nhiều người không tin anh làm được nhưng Tào vẫn lên đường với một cặp kính râm, một cây gậy dành cho người mù và chiếc ba lô đựng vài thứ thiết yếu.
Người đàn ông mù vừa đi vừa làm việc bán thời gian, chủ yếu là massage. Dù phừng phừng quyết tâm nhưng anh suýt chết vài lần trên đường. Ở Lào, một lần vô tình rơi xuống mương, Tào cố gắng chịu đựng cơn đau và kêu cứu, nhưng khi giọng khản đặc vẫn không có ai cứu mình. Tuyệt vọng nhưng thay vì gào thét, Tào mở balo nghỉ ngơi tại chỗ và hát bài "Sống vẻ vang" bản thân ưa thích. Sau khi bớt đau đớn, anh tìm cách trèo ra khỏi mương và thoát nạn.
Những khó khăn lớn hơn vẫn liên tục ập đến. Tào không thể nói được tiếng Anh. Mỗi khi đến một quốc gia mới, anh đều nhờ ai đó giúp đỡ trước và viết một vài ghi chú nhỏ bằng tiếng Anh để hỏi đường. Nhưng nhiều lúc, hiệu quả lại rất hạn chế.
Tào vào nhà hàng gọi đồ, lâu lâu lại làm những cử chỉ bằng tay, kết quả anh có món ăn mà không biết gọi đó là món gì. Nếu muốn đi vệ sinh, người đàn ông này chỉ có thể làm động tác cởi quần trước mặt người khác để mọi người hiểu ý. Nhiều đêm đi mãi không gặp khách sạn, anh dựng lều giữa đường. Thậm chí, có lần ở Chile, suýt bị một bầy chó hoang giết chết, may mắn một người qua đường đã cứu anh.
Không có bạn đồng hành và người phiên dịch, nhiều lúc ốm, Tào ngã quỵ giữa đường. Vào lúc đó, anh muốn bỏ hết danh xưng "người mù đi du lịch vòng quanh thế giới" để trở về nhà. Nhưng nghĩ lại, Tào nhận ra mình đâu có nhà. Chẳng nhẽ trở lại Bắc Kinh một mình trong khi quê hương ở An Huy, nơi chưa bao giờ được chào đón kể từ khi anh bị mù. "Nhà là gì, ta không có nhà". Người đàn ông này cảm thấy rất mỉa mai và đứng dậy, tiếp tục cuộc hành trình.
Có một câu nói thế này: "Khi yếu bạn có nhiều kẻ thù, khi mạnh mẽ, bạn có thêm nhiều bạn bè". Và thế giới đã biết tới Tào Thịnh Khang.
Khi Tào kết thúc chuyến du lịch châu Á lần đầu tiên, anh đã được chú ý. Trong một thời gian, chuyến đi của anh được các đài truyền hình lớn của Trung Quốc đưa tin. Tào trở thành người nổi tiếng. Thậm chí, câu chuyện của anh còn được dựng thành một bộ phim tài liệu có tên "In My Eyes" (Trong đôi mắt tôi), không chỉ lọt vào danh sách phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 21 mà còn trở thành phim tài liệu duy nhất lọt vào danh sách nhận giải này bằng tiếng Trung.
Ngay cả cộng đồng người Hoa ở Mỹ cũng biết tới Tào Thịnh Khang. Hành trình của anh từ đó không còn cô đơn khi nhiều lần được mời thuyết trình và được nhiều người đưa đi tham quan các danh lam thắng cảnh. Anh thường xuyên nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức Hoa kiều tại địa phương. Tuy nhiên, khi có người đề nghị quyên góp tiền, anh kiên quyết từ chối. Điều Tào muốn không phải lòng thương hại.
Ngày 5/10/2016, Tào đã đứng trên đỉnh núi Kilimanjaro - "nóc nhà của châu Phi". Anh ngồi xuống cắn một miếng tuyết, cảm thấy mùi vị không khác gì so với tuyết Trung Quốc. Nhưng người hướng dẫn và người khuân vác đến gặp anh và nói: "Số 1 Trung Quốc!" Từ ngày đó, Tào trở thành người mù đầu tiên ở Trung Quốc đứng trên đỉnh núi Kilimanjaro. Thế giới đã nhìn thấy anh, một người dò đường với chỉ một cây gậy dành cho người mù.
Mười năm nay, Tào ít về quê hương nhưng học cách tha thứ cho những người từng làm mình tổn thương nhiều năm về trước. "Điều khủng khiếp nhất với con người là không thể thoát khỏi bóng tối trong trái tim mình", anh nói.
Hiện người đàn ông này vẫn duy trì công việc massage tại Bắc Kinh và thường xuyên đi du lịch. Anh cũng rất thích chụp ảnh, thường nhờ người khác chụp ảnh giúp và đăng lên trang cá nhân. Một trong những câu nói mà Tào thường viết trong những bức ảnh của mình rằng: "Thế giới có quy luật của thế giới, còn tôi sống theo cách của tôi. Nếu tôi không nhìn thấy thế giới hãy để thế giới nhìn thấy tôi".
Hải Hiền (Theo sohu)