Sáng 6/12, trời mưa phùn, anh Nguyễn Thanh Hùng, 39 tuổi mặc áo mưa, đi ủng ra cánh đồng xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên gom bẫy. Chiều qua, anh đặt 500 bẫy bắt chuột theo đơn đặt hàng của chính quyền xã.
Anh Hùng quê xã Quế An, huyện Quế Sơn. 18 tuổi, anh nghỉ học vào miền Nam mưu sinh bằng đủ nghề. Lúc ở Bình Thuận, anh đi bẫy chuột đồng bán cho quán nhậu. Cuối năm 2010, anh về quê lấy vợ, chuyển qua làm thợ hồ. Nghề bắt chuột tạm gác lại vì ở Quảng Nam chuột ít người ăn.
Bốn năm qua, nhiều vùng ở Quảng Nam không có lũ lớn, chuột đồng phát triển, trở thành vấn nạn của nông dân. Vừa muốn diệt chuột giúp bà con, vừa muốn trở lại nghề cũ, anh Hùng nối lại mối hàng năm xưa ở miền Nam. Họ đang thu mua chuột đồng sơ chế 40.000 đồng/kg. Anh đặt mua 500 bẫy sắt. Chúng được thiết kế dạng lồng, khi chuột chạy vào, giẫm lên que sắt thì lò xò trong bẫy bật mạnh, cửa sập.
Chiều mỗi ngày, anh Hùng đến thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, cách nhà hơn 30 km đặt bẫy. Nơi đây đồng ruộng chưa vào vụ sản xuất, cỏ cây xanh tốt nên chuột nhiều, lộ ra những đường đi mòn trơn. Trên mỗi đường đi của chuột, anh đặt hai chiếc bẫy đối diện nhau.
Chuột có đặc tính ban ngày chui vào hang trú ẩn, ban đêm ra ngoài đi ăn. Trước khi rời hang, chúng sẽ quan sát xem có thiên địch như chim, rắn không. Trên đường đi, nơi nào trống chúng chạy rất nhanh, nơi rậm rạp đi chậm hoặc ẩn nấp một lúc để quan sát. Từ đặc điểm này nên anh Hùng không đặt bẫy ngay cửa hang mà chọn nơi rậm rạp. Bẫy sơn màu xanh giống cây cỏ để chuột chui vào.
Đặt xong 500 bẫy, anh Hùng về nhà nghỉ ngơi, đến 20h thì đi rà soát một lượt. Đội đèn pin trên đầu, anh xem từng bẫy dính chuột thì cho vào lồng sắt cất trữ và cài lại bẫy. Đến 23h, anh về ngủ, sáng mai thu bẫy và chuột. "Có đường hai bẫy dính hai con, có đường không dính con nào", anh nói.
Mỗi đêm, anh Hùng bắt được 300-500 con mang về làm thịt. Hơn 1,6 kg chuột hơi sau khi làm lông, mổ ruột cho một kg thịt sơ chế. Chúng được cấp đông và đưa vào miền Nam tiêu thụ.
Theo anh Hùng, Quảng Nam hiện chỉ mình anh đặt bẫy chuột bán. Nghề này vốn đầu tư nhiều nhất là tiền bẫy, giá 12.000 đồng/chiếc, chi phí còn lại không bao nhiêu. Tuy nhiên, có những rủi ro như quên bẫy hoặc trâu bò giẫm đạp hư hỏng; phải thức khuya dậy sớm, có sức khỏe để lội bùn, mang vác bẫy.
Thấy anh Hùng bắt chuột có lợi cho cây trồng, chính quyền thị trấn Nam Phước không đứng ngoài cuộc. Mỗi ngày anh đến đặt bẫy, người dân sẽ nấu cơm, lo chỗ ăn ngủ và thị trấn hỗ trợ 200.000 đồng/ngày. Sau một tháng đặt bẫy theo kiểu cuốn chiếu, anh bắt hơn 1,3 tấn chuột ở cánh đồng của thị trấn.
"Tôi được tặng bằng khen về thành tích bắt chuột, giúp địa phương giảm thiệt hại mùa màng", anh khoe.
Ngày 5/12, UBND xã Duy Thành mời anh Hùng về bắt chuột với mức hỗ trợ 500.000 đồng/ngày. Trong đêm đầu tiên, anh đặt 500 bẫy bắt 350 con, trọng lượng 40 kg. "Ngoài xã Duy Thành, tôi được nhiều xã nhờ hỗ trợ nhưng chưa kịp giúp. Vì mỗi xã rộng, phải mất hơn chục ngày mới xong", anh nói.
Ngoài bắt chuột, anh Hùng còn hướng dẫn người dân cách đặt bẫy. Loài bẫy này bán trên thị trường rất nhiều hoặc mua của anh và tự đặt được. "Tôi sẽ chuyển giao kinh nghiệm cho người dân cách đặt bẫy để bắt được nhiều chuột, hạn chế thiệt hại do chúng gây ra", anh nói.
Thấy anh Hùng đến xã bẫy chuột, ông Huỳnh Báo, xã Duy Thành nhiệt tình đi cùng giúp đỡ thu gom bẫy. Giữa cánh đồng bùn lầy, sau khi anh Hùng thu bẫy, ông Báo vác từng bao bẫy đưa về nơi tập kết.
Ông Báo kể nhà làm ba sào ruộng nhưng vụ vừa rồi bị chuột cắn phá thiệt hại một nửa. Ông bỏ thuốc, đào hang bắt, làm hàng rào nylon bao quanh ruộng, kết hợp nhiều biện pháp sinh học để ngăn phá hoại, nhưng kết quả không khả quan. "Tôi diệt chuột quanh ruộng mình nhưng nhà bên cạnh không diệt thì bằng không. Bởi loài gặm nhắm này sinh sản nhanh, di chuyển nhiều", ông nói, đánh giá cách đặt bẫy cuốn chiếu của anh Hùng sẽ bắt được đáng kể.
Ông Lê Tấn Bảo, Phó chủ tịch xã Duy Thành, cho biết xã canh tác 325 ha sản xuất lúa. Trước đây mỗi năm có vài đợt lũ bồi đắp phù sa cho ruộng đồng, còn tiêu diệt được chuột. Tuy nhiên từ 2021 đến nay chưa xuất hiện đợt lũ lụt ngập ruộng đồng nên chuột sinh sôi phát triển nhiều, phá hoại lúa, hoa màu.
Theo ông Bảo, khi biết anh Hùng đặt bẫy bắt chuột hiệu quả, chính quyền đến nhờ giúp đỡ, đồng thời mua 500 bẫy phát cho người dân để bắt chuột. Xã Duy Thành cũng đang lên phương án thuê anh Hùng bắt chuột theo mùa vụ. Ngoài việc bắt chuột bán, xã trả thêm kinh phí tính theo con hoặc kg.