Suốt một thập kỷ, Roy Palmer không thể kiểm soát đôi chân. Người đàn ông từ Gloucester mắc bệnh đa xơ cứng (MS) khiến lớp bảo vệ dây thần kinh bị ăn mòn, từ đó gián đoạn kết nối giữa não và cơ thể.
Palmer tưởng mình sẽ phải ngồi xe lăn cả đời. Thế nhưng, năm ngoái ca ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT) đã làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Lần đầu tiên, sau mười năm, Palmer có thể đi lại và nhảy nhót.
Chia sẻ với BBC, Palmer kể rằng ông biết đến kỹ thuật HSCT qua một chương trình tivi. "Có hai người tham gia thử nghiệm tại Bệnh viện Sheffield. Lúc đến, họ vẫn ngồi trên xe lăn nhưng khi ra về thì đều tự đi lại được", Palmer kể. "Xem xong, vợ chồng tôi bật khóc".
Theo Hiệp hội MS Quốc gia Anh, HSCT chưa được hoàn thiện. Hơn nữa, kỹ thuật này không luôn luôn hiệu quả mà có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và vô sinh.
Dù vậy, Palmer sẵn sàng thử. "Họ làm được thì tại sao tôi lại không", người đàn ông 49 tuổi nói.
Năm 2017, bất chấp mọi rủi ro, Palmer tiến hành HSCT. Đầu tiên, đội ngũ y tế lấy tế bào gốc ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Sau đó, họ tiêu diệt hệ miễn dịch rồi đưa tế bào gốc trở vào cơ thể nhằm khởi động lại hệ miễn dịch.
Đúng như hy vọng của Palmer, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Hai ngày sau khi ghép tế bào gốc, người đàn ông lấy lại cảm giác ở chân trai. Dần dần, Palmer cử động được cả hai chân và bắt đầu đi lại. "Đúng là phép màu", nam bệnh nhân xúc động.
Xuất viện, Palmer đi du lịch cùng gia đình tới Thổ Nhĩ Kỳ và hạnh phúc bước đi trên bờ biển. "Các bạn không thể hiểu điều nhỏ bé ấy có ý nghĩa nào đối với tôi", ông tâm sự.
Trở về, Palmer tình nguyện tham gia đội cảnh sát địa phương. Ông cũng dành thời gian tận hưởng thú vui nhảy nhót và vừa đăng một đoạn video ngắn lên mạng xã hội. Những gì người khác coi là bình thường thì đối với Palmer giờ đây đều quý giá.