Làm trong lĩnh vực giáo dục tại tỉnh Sơn Đông, Sun Guo Shan, 38 tuổi, nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới. Anh quyết định truyền tải thông điệp về rèn luyện sức khỏe tới mọi người, đồng thời muốn tôn vinh các danh lam thắng cảnh nằm ở miền núi của đất nước. Đó là lý do Sun quyết định thực hiện thử thách lớn trong mùa xuân năm nay, hoàn thành leo 50 ngọn núi nổi tiếng nhất Trung Quốc bằng tay.
Guo Shan leo núi bằng tay tại một khu danh thắng của Trung Quốc hồi tháng 12/2024. Video: Facebook/China News
Sun Guo Shan tập leo núi bằng tay từ tháng 4/2023, bắt đầu thử thách vào tháng 5/2024 với các ngọn núi nhỏ. Đến tháng 11, anh được nhiều người biết đến nhờ một video chinh phục Haibat, đỉnh cao nhất ở núi Võ Đang, tỉnh Hồ Bắc, với độ cao hơn 1.600 m, bằng tư thế trồng cây chuối.
Guo Shan cho biết "mọi người Trung Quốc đều có tình yêu và giấc mơ về võ thuật" và đây là một phần động lực giúp anh thực hiện thử thách leo núi bằng tay này.
Tháng 12/2024, anh mất 5 tiếng để leo 999 bậc thang trên núi Thiên Môn ở Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, trong tư thế này. Đây là núi thứ 34 anh leo và cũng là đỉnh khó nhất. "Tôi đã ngã gần 100 lần", Guo Shan chia sẻ sau khi lên đỉnh Thiên Môn Sơn. Anh hy vọng sớm hoàn thành mục tiêu đề ra và dự định nộp hồ sơ để được Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận.

Guo Shan hy vọng có thể lập được kỷ lục Guinness. Ảnh: DM
Leo núi là một trong những sở thích của người Trung Quốc, đặc biệt là sở thích chinh phục các núi nổi tiếng, nhưng không phải ai cũng có sức khỏe như Guo Shan. Do đó, các quan chức du lịch ở tỉnh Sơn Đông đã nghĩ ra một ý tưởng khác hỗ trợ du khách leo núi: chân robot.
Dịp Tết Nguyên đán (29/1), 10 đôi chân robot chạy bằng AI đã được giới chức Sơn Đông triển khai thí điểm ở núi Thái Sơn, nhằm hỗ trợ khách leo núi. Hơn 200 khách đã thuê chân robot với giá từ 60 đến 80 tệ (8-11 USD) trong tuần dùng thử đầu tiên.
Thiết bị này sẽ quấn quanh eo, đùi của người leo núi và nặng 1,8 kg. Được hỗ trợ bởi các thuật toán AI, chân robot có thể cảm nhận được chuyển động của người dùng, giúp du khách leo núi mà không bị chồn chân, mỏi gối. Nhiều du khách cho biết khi đeo chân robot, họ có cảm giác như được "ai đó đang kéo lên dốc".
Tuy nhiên, khách dùng chân robot leo núi cũng có thể gặp bất tiện như khó tháo ra nếu muốn đi vệ sinh, khó ngồi xổm. Dù vậy, đây là phát minh được nhiều người đánh giá cao và kỳ vọng Trung Quốc sớm đưa vào ứng dụng rộng rãi khắp các điểm leo núi.
Anh Minh (Theo China News, CNN)