Anh Hậu, 38 tuổi, là anh cả trong gia đình thuần nông nghèo có năm anh em ở xã Thủy Tiều, huyện Thủy Nguyên. Từ khi sinh ra, đôi chân anh đã không bình thường, hai đầu gối thường chụm vào nhau. "Dị tật khiến tôi đi lại khó khăn, rất mặc cảm. Tôi luôn hy vọng lớn lên sẽ cải thiện được", anh Hậu nhớ lại.
Năm 1999, khi đang học lớp 8, chân tay co quắp mạnh khiến anh Hậu mất khả năng đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào bố mẹ và các em. Hàng ngày anh được bạn bè cõng tới trường.

Anh Hậu hoàn thiện bức hoành phi để giao cho khách vào dịp Tết. Ảnh: Lê Tân
Thương con trai, người mẹ đã bán đàn lợn, còn bố bán chiếc xích lô lấy tiền đưa con đi khắp nơi chữa bệnh. Tới đâu, gia đình cũng nhận được những cái lắc đầu. Bác sĩ nói anh bị teo cơ, không thể hồi phục. "Đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần khiến tôi phải bỏ dở việc học dù luôn là học sinh khá. Ngày các bạn thi vào cấp 3, tôi nằm thu lu trên giường, buồn không tả hết", anh Hậu nhớ lại.
Ba năm sau đó, anh Hậu phải chống chọi với những cơn đau đến mất ngủ, bố mẹ và các em thay nhau xoa bóp. Nhiều lúc, chàng trai nhỏ bé cố lê lết trên sàn nhà làm vài việc vặt, nhưng chỉ được vài mét phải dừng lại vì đau. Tập lê quá nhiều khiến chân và hai bên hông anh Hậu bị chai sạn, nổi thành u thịt to.
Bước ngoặt đến với anh Hậu vào năm 18 tuổi khi một người bác khuyên đi học nghề, biết đâu có thể nuôi thân. Đắn đo một thời gian, anh Hậu xin bố mẹ học nghề mộc để tận dụng năng khiếu mỹ thuật. Mỗi sáng, bố hoặc em trai bế anh Hậu lên xe chở đến xưởng mộc gần nhà. Thời gian đầu, anh được giao đánh giấy giáp, tiền công 20.000 đồng/ngày. Sau một năm, chủ xưởng cho anh học đục những chi tiết đơn giản.
Cơ thể yếu ớt, việc phải ngồi, tập đục hay đánh giấy giáp khiến anh Hậu đau đớn. Những lời xì xào "cái ngữ này thì làm được gì" càng khiến tinh thần anh bị bào mòn. "Tôi phải tự động viên mình rồi cố gắng làm nhiều hơn người khác. Ngoài thời gian ở xưởng, tôi mua đồ về nhà tập đục, bào", anh Hậu nói.
Sau hơn một năm học mộc, tay nghề anh Hậu dần cải thiện. Những bộ đi văng, tủ ly, tranh tứ quý do anh đục đẽo được khách hàng hài lòng. Năm 2009, anh Hậu quyết định cùng em trai thứ ba về nhà mở xưởng làm riêng. Vốn ban đầu là 100 triệu đồng do bố mẹ đi vay lãi đưa cho.

Gia đình của anh Hậu và chị Lương. Ảnh: Lê Tân
Nhận được nhiều sự ủng hộ nên công việc ở xưởng mộc ổn định. Sau 6 tháng mở xưởng, anh đã trả xong số tiền bố mẹ đi vay lãi. Năm 2022, với hơn 5 tỷ đồng tích lũy, anh Hậu đầu tư mua đất và mở thêm hai xưởng mộc ở tỉnh Sơn La. "Từ chỗ là gánh nặng của gia đình, Hậu trở thành trụ cột kinh tế, cùng các em đóng góp, xây nhà mới cho bố mẹ ở", bà Bùi Thị Mai, mẹ anh Hậu, chia sẻ.
Năm 2008, khi về Hải Dương thăm người thân, anh Hậu gặp và yêu chị Nguyễn Thị Lương, cũng bị khuyết tật. Một năm sau cả hai tổ chức đám cưới, đến nay có một trai, một gái mạnh khỏe. "Có lẽ ông trời đã bù đắp cho tôi", anh Hậu nói.
Hiểu khó khăn của người khuyết tật, anh Hậu đã dạy nghề miễn phí cho 20 người cùng cảnh ngộ và trẻ mồ côi. 5 người trong số đó đã mở xưởng mộc riêng. Năm 2015, anh Hậu cùng bạn bè lập câu lạc bộ Khát vọng cuộc sống để kết nối các bạn trẻ khuyết tật, giúp đỡ nhau tự tin hòa nhập, giúp ích cho cộng đồng.
Là Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên khuyết tật huyện Thủy Nguyên, Chủ nhiệm câu lạc bộ Khát vọng cuộc sống, anh Hậu đã kết nối với KCN VSIP Hải Phòng để giới thiệu cho 100 người khuyết tật vào làm việc. Mới đây, anh được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng bằng khen thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh, Bí thư Huyện đoàn Thủy Nguyên, đánh giá anh Hậu không chỉ là tấm gương sáng cho ý chí vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống mà còn đóng góp rất nhiều cho xã hội.
Lê Tân