Trong căn nhà 2 gian thấp bé nằm cuối làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn (Đô Lương, Nghệ An) là cảnh ngộ kém may mắn của người đàn ông tật nguyền Nguyễn Hải Yến. Vừa nằm trên giường, ông đặt một chiếc thau nước lên ngực để cọ những chiếc nồi cáu bẩn, ông ngậm ngùi kể lại cuộc đời với bao tủi cực, đắng cay.
![Hura-1_1385005374.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/11/21/Hura-1-8821-1385006028.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SxUJxbvjbYp3RumWqeRIMA)
Nằm một chỗ, ông Yến tranh thủ kết chổi đót để kiếm thêm thu nhập.
Khi 15 tuổi, trong một lần đang chặt tre, do sơ ý nên Hải Yến bị một cây tre quật ngang rồi gai tre móc vào đùi phải. Vết thương không sâu nhưng vì chủ quan nên bị nhiễm trùng ở đùi và gây biến chứng khớp. Dù đi chữa trị khắp nơi và dùng hết thuốc Đông - Tây y nhưng vết thương của Yến chẳng lành, trái gió trở trời vẫn thường đau nhức. Sức khỏe yếu, không đủ điều kiện nhập ngũ, Hải Yến đành đi làm công nhân chè ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Vài tháng sau, anh phải nghỉ làm vì không đảm bảo được sức khỏe. Hải Yến quay về vừa học vừa làm ở cụm Nam - Bắc - Đặng (gồm 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn của huyện Đô Lương hiện nay).
Vốn thông minh, học giỏi nên Yến được phân công làm lớp trưởng kiêm Bí thư Đoàn trường và được chính quyền địa phương bồi dưỡng thành cán bộ nguồn. Tương lai đang rộng mở và chuẩn bị được kết nạp Đảng thì tháng 10/1979, vết thương cũ tái phát khiến chân tay của Yến bị teo, co rút và toàn thân dị dạng. Thậm chí cả miệng của ông cũng không thể cử động được như trước. Lúc ăn cơm, miệng phải khởi động trước 15 phút mới mở được để người thân bón cơm. Từ một người vốn lành lặn, đầy ước mơ, hoài bão, Hải Yến bỗng chốc thành một kẻ tàn phế. Đau đớn, tuyệt vọng vì số phận kém may mắn, nên thời gian đầu chàng trai trẻ ấy vài lần tìm đến cái chết mà không thành.
May sao, thời gian này Hải Yến nhận được nhiều thư động viên, thăm hỏi của những người đồng cảnh. Đặc biệt là một cô gái tên Giang cũng có số phận kém may mắn như anh. Trong thư của người con gái xa lạ ấy viết cho Hải Yến có đoạn trách: “Xung quanh anh còn bao người kém may mắn, họ vẫn sống, vẫn vượt lên số phận sao anh lại không làm được?”. Không những thế, nhiều người trong làng biết Yến có khiếu văn chương đã tìm đến nhờ anh viết báo tường, viết thư tình… Nhờ đó, anh có thêm động lực để tiếp tục sống dù chặng đường phía trước của anh còn lắm gian nan.
Năm 1993, chàng trai tật nguyền ấy đã lập gia đình với người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ ở cùng xóm tên Lê Thị Dấn, ít hơn anh 3 tuổi và đã có một cô con gái riêng. Trước đó, dù tật nguyền nhưng Yến vẫn có không ít cô gái lành lặn, xinh đẹp trong làng hết mực yêu thương và muốn đến với anh, nhưng vì tủi thân nên anh từ chối. Ngày về ở với nhau, cuộc sống của ông bà vô cùng khó khăn, cơ cực. Thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào những đồng tiền công do ông Yến đan lát, kết chổi lau. Vợ ông sáng chạy mua vật liệu, chiều lại đi bán rong kiếm đồng tiền đong gạo.
Từng đứa con lần lượt ra đời, nên hai vợ chồng ông ngày càng chật vật hơn với gánh nặng "cơm - áo - gạo - tiền". Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông Yến vẫn gắng gượng để cùng nuôi các con khôn lớn.
Hiện cô con riêng của vợ ông đã lấy chồng. Cô con gái thứ 2 của ông bà là Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 1995) đang theo học năm thứ nhất Đại học Luật TP HCM. Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, Hằng thi khối C được 20 điểm và vừa đủ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường đang theo học. Ngày con gái nhập học, vợ chồng ông Yến phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn được 5 triệu đồng để cho con lên đường nuôi ước mơ.
![Hura-23.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/11/21/Hura-23-8661-1385006028.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GlZtsYUdbHxKQZ9jNBsNSw)
Con trai út của ông Yến dù mới học lớp 7 đã phải quán xuyến việc nhà.
Mấy năm qua, ông Yến càng lúc càng ốm yếu nên vợ ông phải đi làm giúp việc gia đình lúc ở Hải Phòng, khi thì ở Vinh để nuôi 2 đứa con ăn học. Vợ đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn có người chồng tật nguyền nằm trên giường cùng đứa con trai út nhỏ dại đang học lớp 7. Ngày trước, lúc vợ và con gái còn ở nhà, ông Yến còn có thể đan lát, kết chổi lau cho vợ đem bán. Hiện mỗi dịp cuối tuần, ông nhờ con trai út đi lấy ít lau về để ông kết chổi, mỗi chiếc vậy ông bán được 35 nghìn đồng. Đôi chân bất động, đôi tay co quắp và phải di chuyển bằng lưng nên muốn lấy hoặc điều khiển vật dụng gì ở xa, ông Yến phải nhờ vào chiếc gậy tre có móc.
Hiện bố con ông Yến chỉ biết dựa vào chế độ 202 dành cho người khuyết tật của nhà nước (mỗi tháng 360 nghìn đồng). Tiền công của vợ đi làm ô sin cũng vừa đủ cho cô con gái học ở Sài Gòn. Cơ thể tật nguyền, giờ thân ông còn mang nhiều thứ bệnh. Đôi mắt ngấn lệ, người đàn ông tật nguyền chỉ có một tâm nguyện: “Tôi thì bất hạnh đã đành, nhưng còn sống được ngày nào thì dù cực khổ đến mấy cũng gắng động viên vợ nuôi con ăn học nên người”.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. |
Duy Ngợi