Jimmy Miller quét mã mẫu xét nghiệm ADN của những người con lai Mỹ - Việt. Ảnh: NBC. |
Jimmy Miller, con lai của một phụ nữ Việt Nam và một lính Mỹ, sinh năm 1967 ở Sài Gòn. Miller kể cha mẹ ông kết hôn nhưng rồi chia lìa sau khi cha ông bị thương trên chiến trường và được đưa về Mỹ.
"Người ta gọi chúng tôi bằng đủ thứ tên", NBC dẫn lời Miller kể về thời thơ ấu. "Những đứa trẻ khác ném đá và đánh chúng tôi. Và chúng tôi không được đi học tử tế".
Sau khi quốc hội Mỹ cuối năm 1987 thông qua luật tạo điều kiện thuận lợi cho những đứa trẻ lai và người thân ruột thịt sang Mỹ định cư, Miller nộp đơn. Một năm sau đó, chàng thanh niên Miller 22 tuổi lên đường tới Mỹ qua con đường tị nạn ở Philippines. Mất 6 tháng ở trại tị nạn, Miller và gia đình đặt chân đến thành phố Spokane, bang Washington, tây bắc Mỹ. "Lúc đó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, cuối cùng tôi cũng đến quê cha", Miller nhớ lại. "Cuối cùng tôi cũng nhìn thấy cơ hội cho tương lai".
Hiện Miller làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận "Người Mỹ Á Không Biên giới" do chính ông sáng lập năm 2015 nhằm giúp đỡ những người con lai đoàn tụ với cha trên đất Mỹ. Tổ chức này hướng dẫn những người con lai ở Việt Nam tiến hành xét nghiệm ADN và giúp họ làm đơn xin nhập cư nếu kết quả trùng khớp. Không dừng lại ở đây, Miller còn hỗ trợ những người mới đến Mỹ ổn định cuộc sống.
Quốc hội Mỹ ước tính số lượng con lai Mỹ - Việt và người thân của những người này sống ở Việt Nam năm 1987 là từ 20.000 đến 30.000. Nhưng đến năm 1994, hơn 75.000 người đã sang định cư tại Mỹ theo diện này, theo báo cáo của cơ quan kiểm toán của quốc hội.
Miller cho biết tổ chức của ông đã giúp 500 người sống ở Việt Nam làm xét nghiệm ADN và có khoảng 400 người đã sang Mỹ định cư theo diện con lai. Nhiều người đặt chân đến Mỹ với hy vọng tìm được cha ruột, tuy nhiên, đây là một quá trình đầy gian khó.
Jimmy Miller hồi nhỏ chụp cùng mẹ trên bãi biển ở Việt Nam. Ảnh: NBC. |
Năm 1990, khi chân ướt chân ráo đến Mỹ cùng mẹ và các anh chị em, Miller nhớ cả nhà không có nhiều manh mối để liên lạc với bố ngoài tên họ đầy đủ, một tấm ảnh và một bức thư ông viết năm 1969 nhưng không đề địa chỉ gửi. "Tôi dành nhiều năm trời sau đó tìm cha", Miller nói.
Sau khi liên lạc với tổ chức Chữ thập Đỏ và nhận được hồi đáp, Miller đinh ninh rằng cha mình đã chết. Nhưng năm 1995, phép màu xảy ra vào đúng ngày cưới của Miller và người mang đến món quà bất ngờ là Trinh, em gái út của ông.
Thời gian đó, Trinh đang làm tình nguyện viên ở thư viện thành phố Spokane. Trong một lần trò chuyện với đồng nghiệp, Trinh buột miệng hỏi cách làm sao tìm ra tung tích của một người. "Hồi đó chưa có Internet, anh đồng nghiệp nói với em gái tôi rằng nếu biết địa chỉ, họ có thể gọi điện cho thư viện địa phương để nhờ họ tra trên hệ thống", Miller nhớ lại.
Dù không có địa chỉ chính xác, trên phong thư mà người cha gửi về Việt Nam có dấu bưu điện của thành phố Fayetteville, bang Bắc Carolina. "Em tôi gọi cho thư viện Fayetteville và hỏi liệu có ai tên là James Miller trong hệ thống lưu trữ hay không", Miller kể. Kết quả kiểm tra hệ thống lưu trữ cho thấy có ba người tên như vậy. "Sau đó, em tôi hỏi liệu trong số ba người đó, có ai có tên đệm bắt đầu bằng chữ cái A, viết tắt của Arthur, và chỉ có một người trùng khớp".
Trinh chủ động liên lạc theo số điện thoại thư viện cung cấp và đề nghị người đàn ông này trực tiếp gọi cho anh trai mình.
Ông James A. Miller, cha của Jimmy Miller. Ảnh: NBC. |
Cuộc gọi đầu tiên giữa Miller và cha diễn ra không như tưởng tượng. Người cựu binh Mỹ ở đầu dây bên kia cất tiếng gọi "Phan", tên thời thơ ấu của con trai. Do phát âm tiếng Việt không chuẩn, Miller tưởng người đàn ông nói chuyện điện thoại với mình muốn tìm người thuê phòng cũ. "Thế nên tôi gác máy", Miller nói.
Khoảng 15 phút sau, cha ông gọi lại và nói rõ ràng muốn gặp con trai tên Jimmy Miller. "Thoạt tiên tôi bị sốc, tôi không thể tin nổi", Miller nói. "Tôi nghĩ có thể ai đó biết chuyện riêng của tôi và đang cố giở trò lừa đảo".
Không lâu sau cuộc điện thoại đó, người cựu binh Mỹ bay từ Bắc Carolina tới Washington để đoàn tụ với con trai sau 27 năm chia cắt. Niềm hạnh phúc khi gặp lại cha ruột đã thôi thúc Miller thành lập tổ chức giúp đỡ những người có số phận như mình.
Theo Miller, quy trình xét duyệt đơn xin nhập cư theo diện con lai hiện nay khó khăn hơn trước. Để đạt đủ điều kiện, đương đơn phải nộp "bản trình bày chi tiết" kèm bằng chứng chứng minh. Nhiều người bị cha mẹ bỏ rơi hoặc đem cho làm con nuôi không thể chứng minh thân thế con lai của mình. "Một vài người Mỹ gốc Á không biết cha họ là ai", Miller nói. "Vì vậy tôi mới nảy ra ý nghĩ: 'Sao không thử xét nghiệm ADN?' Kết quả ADN sẽ không nói dối".
"Bằng chứng ADN giữa một người con lai Mỹ - Á và cha, hay thậm chí với anh chị em cùng cha khác mẹ là tiêu chuẩn vàng", John Aloia, trưởng phòng lãnh sự tại lãnh sự quán Mỹ ở TP. HCM, nói. "Bằng chứng đó loại trừ mọi sự hiểu lầm hay thắc mắc đứa con có phải của họ hay không".
Ngay từ khi thành lập tổ chức Người Mỹ Á Không Biên giới, Miller đã liên hệ với công ty tư nhân Family Tree DNA chuyên về xét nghiệm ADN có trụ sở ở bang Texas để gây dựng mối quan hệ hợp tác. Nhờ đó, tổ chức của Miller có thể mua các bộ xét nghiệm ADN với giá rẻ hơn.
Tổ chức của Miller đã xét nghiệm ADN cho gần hết những người con lai Mỹ Việt còn đang sống ở Việt Nam. Hoạt động này đã diễn ra gần 5 năm, từ Huế trở vào Cà Mau.
Kể từ năm 2013, Miller đã giúp 15 gia đình đoàn tụ. "Mỗi lần tôi chứng kiến cảnh một gia đình đoàn tụ, cảm xúc trong tôi vẫn như ngày nào. Tôi vô cùng mừng cho họ, giống như tôi tìm được chính gia đình của mình, tìm được cha của mình vậy", Miller nói. "Mỗi lần như thế tôi lại nghĩ đến cha".
An Hồng