Giữa trưa, mâm cơm đã sẵn sàng, nhưng bà Vũ Thị Vọng, 63 tuổi, chờ mãi không thấy con trai về. Tất tả chạy ra ruộng gọi, mặt bà tươi rói khi thấy anh con cả Mai Văn Huy, 40 tuổi, vẫn hì hụi trộn giá thể, chuẩn bị trồng dưa vụ tới. "Hồi còn làm nghề lái xe, nó ngủ đến 8 giờ sáng, vợ phải 'bế' xuống ăn. Giờ làm nông, đến bữa tôi cũng phải réo, nhưng là vì nó nghiện việc quá", bà Vọng cười nói.
Trước đây, khi cả xã Nga An, huyện Nga Sơn đã có nhà cửa kiên cố, đêm mưa, nhà bà Vọng vẫn phải phủ áo mưa lên chăn để ngủ vì mái tranh dột. Học hết lớp 9, Huy bỏ học đi làm. "Cảnh cha mẹ chạy ăn từng bữa cơm thôi thúc tôi phải thoát nghèo", Huy nói. Bố mẹ thầu hơn một mẫu đất trũng, nhưng nạo vét, gánh đất sần cả vai, thu nhập không đáng kể, Huy tìm đường khác mưu sinh.
Cả thời niên thiếu, anh chạy xe máy đi khắp vùng mua kem về bán dạo. Hàng hiếm, muốn mua phải tranh giành, Huy nhận định làm kem bán buôn sẽ lãi. Năm 22 tuổi, anh dồn tiền mở xưởng sản xuất kem, khi cả huyện Nga Sơn mới có 4 xưởng. Đúng như Huy nhận định, một giờ sáng, cánh bán lẻ đã xếp hàng trước cửa nhà anh chờ lấy hàng. Mỗi tháng, tiền điện xưởng kem của Huy phải nộp bằng 6 xóm ở xã Nga An cộng lại.
Đến khi nghề làm kem thất thế, Huy tậu hai xe tải đi buôn nông sản. Một lần, được tham quan ruộng dưa ở Vĩnh Phúc, anh buôn rau ngây ngất khi thấy những ruộng dưa leo, dưa vàng, dưa chuột chi chít trái. Huy tự nhủ: "Đất này chẳng khác gì đất quê mình, người ta trồng được, mình cũng trồng được".
Vậy là anh đến các mô hình điểm, quan sát từng góc vườn, cách thiết kế giàn leo, cách lắp đặt hệ thống vòi nước, ghi nhớ vào đầu. "Tiếp xúc với các đầu mối, tôi nhận thấy dân tình dần không mặn mà với hàng rẻ nữa. Giờ họ chuộng hàng sạch, đồ ngon, nên khi làm nông, tôi định hướng phải xây dựng mô hình theo chuẩn VietGAP", Huy nhận định.
Quyết định trồng dưa, 2-3 giờ sáng, anh vẫn thức làm giàn leo. Mua ong mật về nuôi để thụ phấn, ong chết, anh tự học cách thụ phấn bằng tay, bận đến mức chỉ được nghỉ lúc ăn cơm.
Mùa dưa vàng đầu tiên, anh chọn 200 quả to, đẹp nhất, đóng thùng, chở đến từng nhà dân trong làng biếu. Những quả bị lỗi hoặc xấu mã, anh dồn đống trong nhà ăn dần, ai gạ bán rẻ cũng không bán, ai xin cũng không cho. "Lâu nay mọi người cứ nghĩ dưa vàng quả là dưa bở, không ngọt, nên tôi phải mang đi giới thiệu vậy để ‘tiếng lành đồn xa’. Trước khi muốn có chỗ đứng trên thị trường, phải tạo dựng được niềm tin, được thương hiệu", Huy nói.
Trước ngày rằm, mùng một khoảng 4 -5 ngày, Huy chọn dưa ngon, chạy xe máy đi khắp Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định giới thiệu sản phẩm, mời chủ các cửa hàng dùng thử. Bán rẻ hơn vài giá, lại chọn đúng dịp nhu cầu của thị trường lớn, nên ngay năm đầu trồng dưa vàng, Huy đã đút túi hơn 100 triệu đồng. Những mùa sau, khách tự tìm đến.
"Chinh chiến" lâu năm với nghề buôn nông sản, quy luật giá thị trường, Huy nắm rõ như lòng bàn tay. Thế nên, tất cả các loại rau, quả, anh đều trồng trái vụ, để có giá cao. Khi nhà nhà làm luống gieo hạt, dưa nhà anh vừa thu hoạch xong. Đang nuôi đàn lợn hơn 100 con khi giá cao, nhưng sang năm, Huy giảm đàn còn 5 con - vì biết thị trường sẽ sớm bão hòa. Nhẩm tính cá dễ nuôi, nhưng lợi nhuận không cao, anh tự mày mò kỹ thuật, học cách nuôi tôm để có thu nhập gấp 5 lần.
"Năm ngoái, chỉ 15 tiếng, Huy mất trắng hơn 150 triệu vì tôm chết. Khuya lắc lơ, hai cha con đào hố chôn tôm, nhưng mặt nó vẫn tỉnh như không. Mọi người buồn, nó còn động viên ‘làm gì chẳng mất học phí’", ông Mai Văn Cầu, 64 tuổi, bố Huy kể.
Vụ tôm thua lỗ năm 2018 đã biến Huy thành một chuyên gia lành nghề. Bì bõm lội nước, đêm về đọc tài liệu, ngày liên tục kiểm tra nước, nhìn từng con tôm để tìm nguyên nhân, đến giờ chỉ bằng mắt, Huy đã biết con tôm thiếu chất gì, nước trong ao cần điều chỉnh độ pH ra sao.
"Nó thấp bé nhất nhà, nhưng không có gì xô đổ được tinh thần của nó. Những vụ đầu trồng rau màu trái mùa, thất thu hay có năm nước ngập, cả ruộng bí mấy chục triệu mất trắng, con vẫn không nao núng", bà Vọng kể về cậu con trai cả.
"Huy là một người dám nghĩ, dám làm và đặc biệt rất nhạy bén với thị trường", ông Phạm Văn Tuyến, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Nga An nhận xét.
Đầu năm 2019, Huy đầu tư thêm chi phí làm nhà màng, nhà kính trồng rau màu, giúp ổn định năng suất, tránh sâu bệnh. Trang trại tổng hợp của gia đình được mở rộng từ 3.600 m2 lên 8.000 m2, mang về tổng thu nhập khoảng 800 triệu đồng mỗi năm.
Huy dự tính, khoảng chục năm nữa, xu hướng làm trang trại rộ lên, anh sẽ quay lại với nghề buôn nông sản. "10 năm đủ để tôi xây dựng thành công thương hiệu, đầu mối khách hàng của riêng mình. Tôi sẽ lại đi thu mua của các trang trại khác để phân phối cho thị trường", anh hoạch định.
"Nhiều người thắc mắc tại sao tiền lời buôn bán, không để gửi ngân hàng lấy lãi ăn dần, lại đầu tư vào nông nghiệp như đánh bạc. Tuy nhiên, tôi nghĩ, giàu phải bền vững, tiền kiếm ra, ngửi thấy mùi mồ hôi càng quý, càng đáng trân trọng", người đàn ông có làn da rám nắng nói.
Phạm Nga