Người đàn ông đứng lặng lẽ, nhìn lên ngọn cây tràm hoa vàng cao gần 30 mét. Đôi mắt nheo nheo, những nếp nhăn trên trán hết co vào lại giãn ra. Với kinh nghiệm của một người đã 27 năm làm nghề cưa cây, ông biết hạ được cái cây tràm này không hề đơn giản bởi thân cây lớn, hàng chục nhánh phụ lớn nhỏ, bên dưới là con đường làng và nhà dân.
Sau một hồi tính toán, "lên kịch bản", ông và chủ nhà bàn nhau, cưa các cành cây rơi sang hướng bờ sông, vừa an toàn cho những ngôi nhà bên dưới lại tránh vỡ đường bê tông.
Cột chiếc máy cưa nặng hơn 7kg vào sợi dây thừng, ông Tùng dùng một sợi khác choàng qua thân cây có đường kính gần 50 cm để làm điểm tựa rồi thoăn thoắt leo lên. Khi đã ngồi trên ngọn cây cao, ông kéo chiếc cưa máy lên, chỉnh lại chiếc nón tai bèo rồi nổ máy, bắt đầu công việc.
"Đặt lịch hơn một tháng chú Tùng mới tới nhưng tôi nhất quyết chờ. Cả huyện có hàng trăm người làm nghề cưa cây nhưng tôi chỉ tin tưởng vào kỹ thuật của chú Tùng. Giao cho người khác tôi không an tâm, sơ suất nhánh cây rớt sập nhà như chơi", ông Trần Công Toại, 60 tuổi, chủ nhân của cây tràm hoa vàng ở huyện Cái Bè, Tiền Giang chia sẻ.
"Thợ vùng này không ai giỏi bằng ảnh. Chỉ có ảnh mới cưa được cây dừa. Tụi tui thường nói vui: 'Cây nào khó, có chú Tùng'", ông Nguyễn Văn Dũng, 50 tuổi, đồng nghiệp của ông Tùng nói và cho biết thêm, khi chứng kiến cảnh ông hạ từng khúc cây dừa nhiều người đặt cho ông biệt danh "Vua khỉ miền Tây".
Ông Phạm Thanh Tùng sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè - vùng đất nổi tiếng có nhiều loại cây trái nên từ nhỏ, ông Tùng đã thành thạo việc leo trèo. Năm 23 tuổi, gia đình bên vợ có người mở xưởng cưa, ông Tùng theo phụ việc. Một lần, ông mượn chiếc máy cưa ở xưởng về nhà để hạ cây cối trong vườn.
"Ban đầu tui chỉ dám làm tuốt sâu trong vườn nhà, lúc cưa thì cây muốn rớt hướng nào thì rớt chẳng sợ đụng ai. Khi thạo rồi mới dám cưa những cây ngoài đường, người ta thấy mình làm được thì mướn, riết rồi quen cho tới bây giờ", ông Tùng kể.
Người đàn ông 5 con cho biết, thời gian mới vào nghề, để tiến bộ ông đã luôn tự "luyện tập" bằng cách tưởng tượng bên dưới cái cây mình đang hạ có nhà cửa nên phải tìm cách đưa nhánh cây rơi sang hướng khác theo ý mình.
27 năm làm nghề, tuy mỗi cây mỗi thế, mỗi cách cưa khác nhau nhưng người đàn ông này chưa từng "đầu hàng" cái cây nào. Ông chỉ cảm thấy vất vả, mất thời gian hơn khi phải cưa những cây ít nhánh hoặc cây dừa.
"Khó nhất là phải hạ những cây dừa mọc giữa nhà dân, không thể cưa ngay ở gốc mà phải cưa từng đoạn từ trên xuống dưới. Thân cây thẳng đuột nên chỉ còn cách duy nhất là dùng hai chân kẹp vào thân để cưa", ông Tùng kể và tiết lộ, những lúc tê chân, ông tắt máy, xách cưa leo lên trên thân dừa ngồi xổm nghỉ. "Người ta nhìn tưởng tui bày trò biểu diễn nhưng mỏi quá và tê cái giò quá, leo xuống thì mất công nên phải trèo lên trên ngồi nghỉ".
Tiền công cưa mỗi cây được từ 300 đến 500 nghìn đồng nhưng chia cho 2-3 người phụ nữa ông Tùng cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều người thấy ông làm nhanh, lúc trả tiền còn nói nặng nhẹ: "Làm có chút mà lấy tận mấy trăm nghìn".
"Những người đó không thấy được sự vất vả, nguy hiểm, có khi còn đánh đổi cả tính mạng của ảnh. Chưa kể, nhà nào khó khăn hay cưa cây trong chùa là ảnh không lấy tiền. Bù lại, có người thấy làm nhiệt tình lại xởi lởi thì "boa" thêm. Làm thì có tiền nhưng lo vợ con cũng hết, không có dư. Tới ngày cúng tổ nghề hay lúc hư máy cần đi sửa đôi khi còn vay mượn", ông Tám Quế, 60 tuổi, hàng xóm của ông Tùng cho biết.
Lúc mới vào nghề, thử thách lớn nhất của ông Tùng không phải là những thế cây khó mà là những lần bị ong chích, kiến đốt đến phát sốt. Đến giờ, dù bị ong vò vẽ chích hàng chục nốt trên người ông vẫn không sao. Những chiếc gai của cây bàng gai hay cây bã đậu đều phải chào thua bàn tay đã chai sần dày cộp của ông.
Khéo léo, mạnh mẽ là thế nhưng "vua khỉ" đã 7 lần gãy xương. Hầu hết đều do ông không xem kỹ trước tình trạng nhánh cây trước khi bước sang. Những nhánh bị mối mọt ăn rỗng bên trong hoặc những nhánh bị gãy trước đó đã liền sẹo. Để đề phòng, khi thấy cành yếu, ông Tùng thường phải buộc dây thừng vào những cành chắc hơn rồi di chuyển chậm. "Lỡ không may gãy cành thì tay mình còn níu sợi dây thừng lại được. Tui không đeo dây bảo hộ vì thấy vướng", ông cho biết.
Sau những lần tai nạn phải nằm nhà mấy tháng liền, nhiều lần ông Tùng nghĩ đến việc bỏ nghề. Nhưng tuổi đã lớn, nhà không có nhiều đất trồng cấy, thu nhập từ việc làm thuê của vợ không đủ trang trải nuôi 5 người con ăn học, không còn sự lựa chọn, ông đành quay lại công việc mạo hiểm này.
"Người ta bị gãy xương thì phải ngừng làm việc nặng ít nhất cũng 3 tháng, nhưng tui chỉ hơn có tháng thì phải đi làm rồi vì nếu không làm thì tiền đâu xoay sở", chỉ tay vào hai bên xương đòn gồ ghề bởi vết gãy ông trải lòng.
Khoảng 3 năm trở lại đây, ông Tùng thấy sức khỏe mình giảm sút hẳn. Sau những buổi làm, những cơn nhức mỏi đến nhiều hơn. Nếu như trước đây, ông có thể tay cầm cưa, tay vịn cành di chuyển qua lại trên những nhánh cây hoặc nhảy từ tàu dừa này sang tàu dừa khác cạnh nhau thì nay đã chậm hơn nhiều.
Nhưng ông Tùng có muốn nghỉ cũng khó vì không chỉ người dân trong tỉnh mà khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, người ta đều tìm đến ông khi cần cưa những cây mà những người thợ cưa khác đã từ chối. Vì thế, ngày nào người đàn ông này cũng có việc làm. "Có nhiều cây phải cưa chứ để cao quá, gió bão rất nguy hiểm. Mấy trái dừa rụng rớt trúng đầu thì có mà chết. Mình không làm thì ai làm", ông Tùng nói.
Sau gần 3 tiếng cưa xong hai cây tràm hoa vàng ở nhà ông Toại, ông Tùng và hai người đồng nghiệp được trả công 1,5 triệu đồng nhưng với điều kiện 10 ngày nữa phải quay lại để cưa khúc gỗ dài thành những đoạn ngắn hơn.
Xong việc, ông Tùng tay xách cưa, vai vác cuộn dây thừng vừa đi vừa hát to trên con đường làng:"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?". Dưới đôi chân trần, hoa và lá tràm rụng phủ đầy mặt đường bê tông nóng hổi.
Diệp Phan