Sau nhiều năm ròng rã khiếu nại, sáng 24/2 tại trụ sở Thanh tra Chính phủ, ông Lợi nhận được thông báo của cơ quan chức năng về kết quả kiểm tra, rà soát vụ khiếu nại của ông.
Gương mặt khắc khổ, người đàn ông 68 tuổi chia sẻ "thông báo của thanh tra giúp tôi hồi sinh, được trở lại với cuộc sống bình thường vì bao nhiêu năm qua như một người bị loại ra ngoài xã hội, không có hộ khẩu, không được thực hiện quyền công dân vì thiếu hồ sơ".
Theo thông báo của Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Lợi quê ở Lâm Thao, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ), nguyên là quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B (vào chiến trường miền Nam). Sau năm 1975, ông được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban tổ chức tỉnh Vĩnh Phú và được tiếp tục cho đi học hoàn thiện văn hoá lớp 10 ở Vĩnh Phú.
Tốt nghiệp cấp 3, ông Lợi được điều động đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau chuyển thành Đại học Y Bắc Thái, nay là Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) và tốt nghiệp năm 1988. Tuy nhiên, lúc này "do việc bàn giao hồ sơ của trường Đại học với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng, ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách, chế độ theo quy định pháp luật".
Từ năm 1988 đến năm 2019, ông Lợi đã có đơn gửi Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) và nhiều cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế Vĩnh Phú, Sở Y tế Phú Thọ, Văn phòng Chính phủ, VKSND Tối cao. Mặc dù Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, khiếu nại của ông không được giải quyết thỏa đáng.
Do đó, ông Lợi tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới Thủ tướng, kiến nghị phục hồi 100% tiền lương bị mất theo diễn biến tiền lương và các phụ cấp nếu có; sau khi phục hồi tiền lương, trường đóng bảo hiểm xã hội kể từ khi có Luật Bảo hiểm xã hội (1995) đến nay, sau đó giải quyết nghỉ hưu theo luật.
Một số quyền lợi khác ông Lợi đề nghị giải quyết là công nhận năm tốt nghiệp, bồi thường tổn thất, vật chất, tinh thần, chế độ kháng chiến...
Tháng 10/2020, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ đã cùng các đơn vị liên quan vào cuộc, rà soát khiếu nại của ông Lợi và làm việc với các tổ chức liên quan.
Kết quả cho thấy khiếu nại và kiến nghị của ông Lợi là có cơ sở giải quyết. Cơ quan thanh tra cũng cho rằng "việc để xảy ra khiếu nại và giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan".
Đơn cử, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) đã ban hành quyết định vào năm 1990, điều động ông Lợi về Sở Y tế Vĩnh Phú chưa đúng với các quy định pháp luật, trái với nguyên tắc tiếp nhận, bố trí công việc với cán bộ ở miền Nam ra.
Trường cũng đã bàn giao không đầy đủ cho Sở Y tế Vĩnh Phú các tài liệu là bản gốc, bản chính, sao y bản chính liên quan đến quá trình học tập của ông Lợi; chỉ bàn giao một số tài liệu..., nhưng các tài liệu này lại gây bất lợi cho ông Lợi về nhân thân và không có giá trị để ông nối tiếp biên chế Nhà nước từ Ủy ban Thống nhất của Chính phủ.
Theo cơ quan thanh tra, hiện nhiều tài liệu, hồ sơ có giá trị pháp lý để giải quyết chế độ cho ông Lợi đang lưu giữ tại trường.
"Những việc làm nêu trên gây hậu quả để ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan: BHXH, BHYT, nhà đất, chế độ người có công với cách mạng, chế độ sinh hoạt phí và các quyền, lợi ích chính đáng khác", Thanh tra Chính phủ nêu.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) khôi phục, bàn giao cho ông Lợi các giấy tờ, tài liệu, hồ sơ liên quan để thực hiện các thủ tục hưởng chế độ chính sách. Các đơn vị liên quan đóng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đền bù thiệt hại cho ông Lợi, do mất thu nhập chính đáng từ năm được công nhận tốt nghiệp đến thời điểm nghỉ hưu...
Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức kỷ luật.
Với kết quả rà soát từ Thanh tra Chính phủ, ông Lợi chia sẻ trong 32 năm đi khiếu nại "nhiều lúc tôi đã nản chí, không muốn theo đuổi nữa, nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của gia đình, bạn bè nên tôi đã kiên trì đến hôm nay".
"Việc phục hồi về vật chất là điều đáng quý, nhưng cái được lớn nhất là khôi phục danh dự", ông nói thêm.