Thành tích trên giúp Meiffret, người Pháp, trở thành người đầu tiên vượt qua rào cản tốc độ 200 km/h bằng xe đạp. Để đạt được tốc độ không tưởng chỉ bằng sức mạnh cơ bắp, chiếc xe của ông trải qua nhiều cải tiến.
Bánh xích tiêu chuẩn được thay thế bằng một bánh xích lớn với 130 răng, kết nối với bánh răng sau có 15 răng, tạo ra tỷ lệ truyền động cao. Bánh sau cũng được làm lớn hơn để mỗi vòng đạp bao phủ nhiều khoảng cách hơn. Cổ phuộc được đảo ngược để người lái có thể tới gần hơn với màn chắn gió của xe chạy phía trước. Vành bằng gỗ để tránh quá nhiệt và sử dụng lốp dạng ống tròn cho hiệu suất tối ưu.
Meiffret thực hành một loại hình đua xe nơi mà người đi xe đạp bám sát phía sau một chiếc ôtô hoặc môtô gọi là "pacer" để hưởng lợi từ vùng không khí kéo dài phía sau. Xe phía trước trang bị một màn chắn gió lớn phía sau để bảo vệ xe đạp khỏi sự nhiễu loạn không khí, giảm đáng kể lực cản không khí và cho phép đạt đến tốc độ mà một chiếc xe đạp chỉ dùng sức con người không thể đạt được.
José Meiffret đạp xe tốc độ cao phía sau một ôtô chắn gió. Video: SWR
Đua xe đạp tốc độ là môn thể thao nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng của vô số người đi xe đạp, bao gồm cả một số người giỏi nhất thế giới. Năm 1903, tay đua xe đạp người Mỹ Harry Elkes tử nạn khi lốp xe của anh phát nổ ở tốc độ 100 km/h, khiến anh bị một chiếc pacer của một tay đua khác chèn lên. Bobby Walthour, một trong những tay đua xe đạp hàng đầu người Mỹ thời bấy giờ, phải chịu đựng một danh sách chấn thương gần như không thể tưởng tượng nổi trong suốt sự nghiệp của mình.
Nhà sử học Peter Nye ghi nhận "danh sách chấn thương ấn tượng (hoặc đáng sợ)" của Walthour, bao gồm 28 lần gãy xương đòn phải, 18 lần gãy xương đòn trái, 32 lần gãy xương sườn và 60 mũi khâu ở mặt và đầu". Một lần, theo như lịch sử gia đình kể lại, anh bị tuyên bố là đã chết một cách nhầm lẫn ở Paris, Pháp, và được đưa đến nhà xác và chỉ tỉnh lại trên bàn để xác.

José Meiffret và chiếc xe đạp có bánh xích đặc biệt. Ảnh: Paris-Roubaix
Bản thân Meiffret cũng thoát chết trong gang tấc vào năm 1952 khi đang đua xe ở Montlhery, Pháp. Khi đang đạp ở tốc độ cao, xe đạp của ông gãy gập, hất ông lên không. Meiffret rơi mạnh xuống đất, lăn đi cả trăm mét và trượt thêm vào mét nữa trước khi dừng lại. Cơ thể ông trầy xước nghiêm trọng và đầy máu. Các bác sĩ phát hiện 5 vết nứt riêng biệt trên hộp sọ của ông. Kỳ diệu là Meiffret đã sống sót.
Meiffret nhận thức rõ về những nguy hiểm khi ông bắt đầu nỗ lực phá kỷ lục của mình trên đường cao tốc gần thị trấn Friedburg của Đức. "Bên dưới màn chắn phía trước có một con lăn, nếu chạm vào nó ở tốc độ 160 km/h, anh sẽ bị va chạm. Mặt khác, nếu bị tụt lại phía sau chỉ 45 cm, sự nhiễu loạn sẽ biến anh thành món hỗn hợp. Nếu chiếc xe chạy trước giật, lắc lư hoặc đâm vào gờ, anh sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức", Clifford L. Graves, tác giả cuốn sách "Cuộc đời của tôi trên hai bánh xe", viết.
Trong túi, Meiffret mang theo một tờ giấy có viết: "Trong trường hợp tai nạn chết người, tôi cầu xin khán giả đừng thương hại tôi. Tôi là một người đàn ông nghèo, mồ côi từ năm 11 tuổi và tôi đã phải chịu đựng nhiều đau khổ. Cái chết không phải là nỗi sợ hãi đối với tôi. Nỗ lực lập kỷ lục này là cách tôi thể hiện bản thân mình. Nếu các bác sĩ không thể làm gì hơn cho tôi, hãy chôn tôi bên lề đường nơi tôi ngã xuống".
José Meiffret sinh năm 1913 tại ngôi làng Boulouris ở vùng biển Riviera của Pháp. Khi còn trẻ, ban đầu, ông thử đua xe đường dài nhưng thấy mình còn thiếu kỹ năng. Chính Henry Desgrange, người sáng lập Tour de France, đã gợi ý rằng Meiffret nên thử đua xe đạp tốc độ cao. Trong cuộc đua đầu tiên của mình, giữa Nice và Cannes, Meiffret về đích đầu tiên, nhanh hơn đối thủ tới 7 phút. Được khích lệ bởi chiến thắng này, ông quyết định lặp lại lộ trình sau một chiếc xe máy mạnh hơn, hoàn thành chặng đua 60 km chỉ trong hơn một giờ.
Sau Thế chiến II, Meiffret quay trở lại với đua xe tốc độ cao và phá vỡ kỷ lục một giờ trước đó do Paillard người Pháp lập vào những năm 1930, trên quãng đường 87,9 km. Tuy nhiên, Paillard nhanh chóng giành lại danh hiệu bằng cách đẩy kỷ lục lên 96,5 km. Quyết tâm vượt qua Paillard một lần nữa, Meiffret chọn đường đua Grenzlandring ở Đức, nơi ông đã vượt qua 104,8 km trong một giờ.

José Meiffret đạp xe phía sau một xe máy chắn gió. Ảnh: Capo Velo
Khi đó, Meiffret bắt đầu đi sau một chiếc ôtô thay vì xe máy. Ôtô che chắn tốt hơn khỏi nhiễu động và có thể đạt tốc độ cao hơn. Thời điểm đó, kỷ lục đạp xe sau ôtô do Alfred Letourneur (người Pháp) nắm giữ, với tốc độ 175,3 km/h trên đường cao tốc Los Angeles vào năm 1941. Meiffret chỉ mất ba lần thử để vượt qua kỷ lục của Letourneur, đạt tốc độ 175,6 km/h.
Sau vụ tai nạn kinh hoàng năm 1952, Meiffret mất nhiều tháng hồi phục, đấu tranh không chỉ vì thể chất mà còn vì sức khỏe tinh thần. Để tìm kiếm sự thanh thản, ông chấp nhận cuộc sống khắc khổ của một tu sĩ. Trong thời gian suy ngẫm này, ông tiếp tục cải tiến các thiết kế xe đạp và viết cuốn sách đầu tiên.
Vào mùa thu năm 1961, ở tuổi 48, Meiffret lập kỷ lục tốc độ mới là 186,6 km/h trên đường cao tốc ở Lahr, Đức. Thành tích này thúc đẩy niềm tin rằng ông có thể phá vỡ rào cản khó nắm bắt 200 km/h (124 dặm/giờ). Quyết tâm thực hiện kỳ tích, Meiffret trở lại Autobahn gần Freiburg vào mùa hè năm 1962, tạo tiền đề cho chuyến đi nổi tiếng nhất của ông: hoàn thành chặng đua với tốc độ 204,937 km/h (127,342 dặm/giờ).
Kỷ lục của Meiffret tồn tại trong 34 năm cho đến khi bị phá vỡ bởi tay đua xe đạp người Hà Lan Fred Rompelberg, người đã đạt được tốc độ đáng kinh ngạc 268,831 km/h (167,044 dặm/giờ) tại Bonneville Salt Flats (Mỹ) vào năm 1995. Kỷ lục này lại bị phá vỡ bởi một phụ nữ người Mỹ, Denise Mueller-Korenek, người đang nắm giữ kỷ lục thế giới với tốc độ tối đa là 296 km/h (183,93 dặm/giờ được thiết lập vào năm 2018, cũng tại Bonneville.
Mỹ Anh (theo Amusing Planet)