Chiều cuối tuần, bên vỉa hè đường Mai Hắc Đế, thành phố Vinh (Nghệ An), ông Nguyễn Văn Mỹ (58 tuổi) bị cụt hai chân đang cặm cụi sửa chiếc xe máy của khách.
"Mỗi khi có khách, tôi thường nhờ họ dựng chân chống giữa của xe, còn sau đó các việc khách yêu cầu như thay, vá săm, thay dầu, chỉnh vành, cân phanh xích thì tự tay tôi làm trong khoảng 15 phút", ông cho hay.
15 năm trước, ông Mỹ là công nhân của Công ty điện lực Nghệ Tĩnh. Một buổi chiều đi làm về, ông bị xe xích lô chở gỗ va trúng ngã xuống đường, rồi bị ôtô tải phía sau lao tới cán ngang chân.
Khi đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ thông báo phải cắt một chân của ông do chấn thương quá nặng. Một ngày sau, ông được chuyển ra bệnh viện ở Hà Nội và phải cắt chân còn lại.
"Lúc tỉnh dậy thấy cơ thể đau nhức, nhìn xuống thấy mình không còn đôi chân, tôi hoảng loạn nghĩ mình không thể sống nổi và sẽ là gánh nặng cho vợ con nên đã nghĩ tới chuyện tự tử, song sau đó trấn tĩnh lại được", ông Mỹ kể lại mà khoé mắt rưng rưng.
Những ngày sau đó, hễ trái gió trở trời là chỗ phẫu thuật cắt chân của ông Mỹ lại đau nhức khiến ông phải nằm một chỗ. Được vợ và người thân động viên, một thời gian sau, người đàn ông xốc lại tinh thần, tập luyện di chuyển. Những ngày dài, ông tự ôm thành giường để nghiến răng lết đi mà nước mắt chảy giàn giụa trên khuôn mặt.
Hai năm sau, ông Mỹ mới tự mình di chuyển cơ thể từ đất lên xe lăn và lái xe ra ngõ. Thấy vợ, con vất vả nên cứ mỗi sáng mai sau khi ăn sáng xong, ông lại xuống bếp giặt đồ, lăn xe đi chợ rồi về nấu cơm, lau nhà. Mặc dù người thân khuyên ông nghỉ ngơi để giữ gìn sức khoẻ nhưng ông vẫn quyết tâm làm từng việc dù nhỏ trong khả năng của mình.
Năm 2008, sau 4 năm gặp tai nạn, ông Mỹ tự lăn xe ra chợ Vinh sắm một bộ đồ nghề sửa xe. Trước khi ra vỉa hè hành nghề, ông Mỹ đã mày mò thực hành vá xăm, cân chỉnh phanh xích, nắn vành... trên chiếc xe của gia đình.
"Quanh quẩn việc nhà mãi cũng chán, vợ làm công nhân không đủ trang trải nuôi hai con ăn học, tôi nghĩ mình phải làm một việc gì đó để sẻ chia bớt gánh nặng", ông tâm sự và cho biết trước đó có người tới đặt vấn đề đưa ông đi làm nghề hát rong với mức lương 6 triệu đồng mỗi tháng, song ông không đồng ý.
Nói về công việc hiện tại, ông Mỹ vẻ tự hào bởi cho rằng mình "làm nghề chân chính, không xin xỏ bất kỳ ai một đồng tiền lẻ nào". Ngày đông khách, ông kiếm được vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có ngày không có khách hoặc chỉ được vài chục nghìn đồng. Bên cạnh vị trí sửa xe cố định, thi thoảng có khách quen bị hỏng xe trong khu vực thành phố gọi điện thì ông Mỹ tận tình lăn xe tới tận nơi để sửa mà không lấy thêm tiền công.
Khách của ông Mỹ đa số là người lao động nghèo, học sinh. Ông kể, có lần trời sẩm tối, trong lúc đang dọn đồ để về, ông thấy có một người dắt xe máy đi qua, ông liền gọi "xe hỏng gì vào tôi sửa cho" song người này nói không mang tiền. Ông liền nói "cứ vào sửa, không lấy tiền". Ngày hôm sau, ông ngạc nhiên khi thấy người đó quay lại gửi tiền sửa xe cho ông.
"Công việc hàng ngày dù thu nhập không cao nhưng là niềm vui của bản thân. Vợ và các con đều ủng hộ và niềm hạnh phúc đến nay là hai con đều đã có công việc ổn định", ông Mỹ nói.
Ông Đậu Xuân Lâm (65 tuổi) làm nghề xe ôm ở thành phố Vinh cho hay mình là khách quen của ông Mỹ nhiều năm năm nay.
"Giá vá săm xe là 10.000 đồng, nhưng với khách nghèo có khi ông Mỹ chỉ lấy 5.000 đồng hoặc sửa miễn phí. Nghị lực của ông là tấm gương cho nhiều bạn trẻ ở khu phố", ông Lâm nói.