Cây đa, bến nước, sân đình là những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với tâm hồn người Việt Nam. Từ xưa, ông bà ta đến đình, chùa để trao gửi những ước mơ, những thăng trầm, truân chuyên của cuộc sống và tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Để có được ngôi đình tinh tươm, sạch sẽ, đầy vẻ trang nghiêm luôn có sự vun vén thầm lặng của những ông "Từ" làm công quả cho đình.

Gần nhà tôi có ngôi đình Phong Phú, nằm tại quận 9, TP HCM. Tôi đã đến đây nhiều lần, có khi tôi là vị khách đến viếng cuối cùng trước khi cánh cổng đình khép lại, khi là người bước chân vào và được thắp nén hương đầu tiên. Như mọi khi tôi điều thắp hương trong chánh điện, sau đó sẽ đi ra khu vực vòng quanh sân đến các am thờ nhỏ ở những góc sân. Hôm nay, quang cảnh không như mọi khi tôi đến, mà chỉ thấy thấp thoáng tại miếu Quan Công có người nằm lê lết ra nền.
Tôi tò mò nhanh chân đi đến và bùi ngùi khi thấy trước mắt là hình ảnh một cụ già khoảng 60 tuổi đang bê đôi chân gầy guộc sang một bên để rộng chỗ lau chùi và cũng nhân tiện kéo mình về phía trước để tiếp tục công việc lau chùi cho các pho tượng và lam gió trong am. Tay tôi thắp nhanh, miệng lâm râm khấn vái nhưng mắt cứ hướng về người đàn ông kia. Mỗi bước chân, mỗi động tác di chuyển của chú thật nặng nhọc. Trong câu khấn vái của tôi hôm nay có thêm điều ước cho chú. Tôi cầu cho chú có cuộc sống thâm tâm an lạc.
Đối với tôi đó là điều ước giá trị nhất. Vì dù chúng ta có vàng muôn, bạc triệu nhưng tâm ta không vui, cuộc sống ta lúc nào cũng lo lắng, giằng xé, dày vò thì thật khổ hoặc tâm ta có an lạc mà thân xác ốm đau thì tủi buồn biết mấy. Sau khi thắp nhanh xong tôi nấn ná ở lại để tìm hiểu thêm về con người này. Dáng người chú gầy gò, tay chống nạng gỗ, tay xách thùng nước, lỉnh kỉnh những vật dụng lau chùi, bóng chú đổ nghiêng nghiêng, xiêu vẹo trên mặt đất. Tôi đợi chú ngồi nghỉ giải lao để nhanh nhẹn hỏi thăm, được biết chú là Phạm Văn Đông, là người thứ 5 trong 8 người con xuất thân từ gia đình nghèo, ba chú cũng từng chăm lo cho đình Phong Phú và chú cũng nối nghiệp cha.
Chú đến đình từ lúc bé. Năm 1952-1953 có dịch bệnh và xóm của chú có nhiều người bệnh bại liệt chứ không riêng gì chú. Người giàu có lắm tiền chạy chữa nhiều nơi nên được khỏi bệnh, còn bản thân chú nhà nghèo nên việc chữa trị không tới nơi, bệnh càng trầm trọng hơn, hai chân của chú khẳng khiu, gầy guộc như hai que gỗ, nó yếu ớt đến nỗi liêu xiêu.
Từ ngày một cây nạng gỗ mất đi, chú phải lê người trên một chiếc nạng còn lại thật khó nhọc. Nghe kể đến đây, tôi tự hỏi cây nạng gỗ còn lại có thể chống chọi với chú được bao lâu, liệu ngày mai nó gãy đi thì sao? Do chỉ còn lại một cây duy nhất nên việc đi đứng của chú mất thăng bằng, nên cứ thế lâu ngày xương sống cũng đã xiêu vẹo góp phần vào cái bóng xiêu xiêu của chú, cho gánh nặng nay càng nặng hơn, cho cái bóng liêu xiêu nay càng mong manh yếu đuối.
Trong suốt quá trình trò chuyện, chưa bao giờ chú tỏ ra cho người khác thương hại mình, đôi mắt chú tĩnh lặng mà nhìn vào đó ta không tìm thấy chút gì lăn tăn của cuộc sống phàm tục như hơn thua, tò mò, soi mói, khinh rẻ hay nể phục. Theo tôi, đó là đôi mắt chính kiến và người có tấm lòng bao dung, sâu rộng chất chứa đầy tình thương thì mới toát lên được ánh nhìn như thế. Chú chưa có câu nói nào tỏ ra mình có công với đình dù đã đóng góp cho nơi này 50 năm qua. Công đức thầm lặng, cuộc sống thầm lặng nhưng ý nghĩa rất sâu xa mà trong đời thường khó ai có được.
Chú từng nói với tôi rằng ở đây rất thiêng, cứ cầu nguyện rồi mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Vâng, con sẽ cầu, cầu cho bản thân mình và cho cả chú, một người bé nhỏ bên lề cuộc sống, chịu bao thiệt thòi mà vẫn vươn lên, sống rất nhân hậu, thủy chung với đình và tận tụy với công việc nhang khói lau chùi tôn, để giữ gìn và tôn vinh di tích lịch sử văn hóa. Nhân ngày vía Đức Quan Công, tôi xin có một điều ước riêng cho chú rằng bài viết này sẽ được nhiều người đọc và khơi dậy tình cảm chân chất nhất từ trong mỗi người "Nhân chi sơ tính bổn thiện" và trên hết là tấm lòng tương thân, tương ái "Lá lành đùm lá rách" cho những mảnh đời kém may mắn như chú.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow Vì bạn xứng đáng phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3 |
Tăng Phương Uyển