Chìa đục là một dụng cụ bằng sắt mà người thợ mộc ở quê tôi thường dùng để đục đẽo, chạm khắc gỗ. Đó là những thanh sắt ngắn củn, thô cứng và lạnh lẽo. Cũng chính vì đặc điểm này mà người dân quê tôi thường mượn hình ảnh chiếc chìa đục để mô tả ngón tay của một người nào đó và đoán tướng mạo cho họ. Tôi không rõ thời xưa người quê tôi quan niệm người phụ nữ có bàn tay chìa đục thì duyên phận ra sao, nhưng người đàn ông có bàn tay chìa đục thì thường bị đoán “bám váy vợ”.
Chúng tôi là những đứa con của miền quê vào tận miền Nam học hành và lập nghiệp. Lần đầu tiên anh cầm tay tôi, anh bảo rằng đôi bàn tay này là đôi bàn tay của một người được sung sướng từ thuở nhỏ đến lúc trưởng thành, ngón tay suôn mượt và mềm mại, điều này khác hẳn với anh. Tôi còn bỡ ngỡ với những cảm xúc đang dâng trào nên chưa kịp nhận ra sự khác biệt này. Đúng như anh nói, anh có đôi bàn tay thô cứng, với những ngón ngắn ngủn và bề mặt gồ ghề lạnh lẽo, chỉ có lòng bàn tay là ấm áp theo cảm nhận của tôi thôi.
Anh kể nhiều về tuổi thơ của anh, đầy vất vả và thiếu thốn. Mặc dù cha mẹ anh đều là giáo viên nhưng với đồng lương ít ỏi nên cả nhà phải làm ruộng thêm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt gia đình và việc học hành cho ba chị em anh. Từ nhỏ anh đã biết phụ cha mẹ gieo mạ, gặt lúa, làm hết thẩy việc từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc và chính đôi bàn tay bé xíu ấy giờ đây đã trở nên cứng cỏi hơn với những vết sẹo mà thời gian vẫn chưa thể làm mờ dấu. Anh bảo anh có đôi bàn tay chìa đục, người quê chúng tôi hay nói rằng đàn ông có bàn tay chìa đục như anh ấy về sau chỉ có thể “bám váy vợ”, không làm được cơ sự gì. Anh hỏi tôi không ngại có một người chồng có đôi bàn tay như vậy chứ và tôi chỉ mỉm cười trả lời anh, rằng nếu quả thật như vậy thì tôi quyết không mặc váy nữa. Anh được trận cười thỏa thích và tôi chỉ kịp bắt gặp ánh mắt hạnh phúc tràn đầy niềm tin nơi anh.
Chúng tôi cưới nhau, thuê một căn phòng trọ không tồi tàn, không sang trọng nhưng gọn gàng sạch sẽ. Ấy là nhờ đôi bàn tay chìa đục của anh phụ tôi dọn dẹp sau mỗi ngày làm việc miệt mài ở cơ quan trở về. Những lúc tôi đau ốm tưởng chừng không gượng dậy được nữa, anh chăm sóc tận tình từng miếng ăn đến giấc ngủ. Bàn tay anh còn bưng cơm, rót nước cho cả bố mẹ tôi những lần từ quê lặn lội vào thành phố chữa bệnh. Những lúc tôi buồn phiền hay thất bại trong công việc, anh lại vỗ về động viên. Đối với những ai sống xa quê nhà người thân, bon chen nơi thành thị như tôi, được ngã vào một vòng tay rắn chắc ân cần như vậy thật là một diễm phúc.
Anh là kỹ sư xây dựng của một doanh nghiệp nhà nước, cả đồng lương và phụ cấp cộng lại không nhiều, nhưng với một người biết chi tiêu như anh, ngoài khoản dư tiết kiệm hàng tháng, thỉnh thoảng anh còn mua về cho tôi một món ngon, một chiếc áo đẹp. Sau bao nhiêu thời gian bươn chải cố gắng, cùng với sự giúp đỡ ủng hộ của hai bên gia đình, chúng tôi cũng tích góp và xây được một căn nhà nhỏ nằm ở ngoại thành. Ngôi nhà nhỏ mơ ước của chúng tôi được bài trí và thiết kế bời bàn tay chìa đục của anh. Không gian tuy nhỏ nhưng đón được nắng, gió và luôn nổi bật trong khu phố bởi dàn hoa lan treo lơ lửng, bên dưới là một vạt rau xanh rờn; bàn tay chìa đục của anh chăm bón cả đấy.
Giờ đây, niềm hạnh phúc của chúng tôi được nhân lên gấp bội khi một sinh linh bé bỏng đang hình thành và lớn lên từng ngày ngay trong cơ thể tôi. Và cũng là lúc đôi bàn tay chìa đục của anh phải vận động nhiều hơn nữa, cẩn trọng và chu đáo hơn nữa để đón chào thành viên mới của gia đình. Đôi bàn tay ấy cứ thoăn thoắt không ngưng nghỉ vì chăm lo cho hạnh phúc gia đình, như thể chiếc chìa đục của bác thợ mộc tận tụy cứ miệt mài chạm khắc một sản phẩm mang ý nghĩa cả cuộc đời nghề vậy...
Một buổi chiều cuối tuần, anh đưa tôi đi dạo phố và đột nhiên ghé thẳng vào một của tiệm bán đầm bầu, đôi tay chìa đục của anh nhanh chóng nắm chặt lấy hai tay tôi, bất ngờ như ngày đầu tiên chúng tôi mới quen nhau. Anh bảo tôi mua đầm bầu đi thôi, đã đến lúc tôi phải mặc đầm bầu và yên tâm mặc váy rồi đó. Tôi mỉm cười hạnh phúc. Tuy đang ở chốn đông người nhưng tôi vẫn muốn thốt to lên rằng tôi yêu đôi bàn tay chìa đục ấy biết chừng nào!
Nguyễn Trần Minh Thơ
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Những đôi tay kỳ diệu" do VnExpress cùng Green Cross phối hợp tổ chức. Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Xem thể lệ chi tiết tại đây Gửi bài tham dự theo địa chỉ media@vnexpress.net hoặc tại đây |