Dù chưa gặp đúng người, Vanessa quyết định 34 là độ tuổi phù hợp để có con và bắt đầu một gia đình. Cô tìm kiếm dịch vụ thụ tinh nhân tạo và người hiến tặng tinh trùng.
Trên một trang web có tên Desire for a Child, cô tình cờ thấy hồ sơ của Jonathan Meijer, một nhạc sĩ 30 tuổi người Hà Lan. Người này cho biết anh đã đăng ký hiến tinh trùng sau khi thấy bạn bè mình gặp nhiều khó khăn để thụ thai. Vanessa nhanh chóng bị thu hút bởi những đoạn video từ người đàn ông có vẻ ngoài ưa nhìn, tóc vàng, biết chơi nhạc cụ, thích đi du lịch và tìm hiểu về triết học. Meijer trở thành sự lựa chọn lý tưởng.
Meijer cho biết anh sẵn sàng gặp gỡ những đứa con tương lai của mình nếu chúng muốn. Tại Hà Lan, trẻ em được thụ tinh nhân tạo có thể tìm lại danh tính của người cha hoặc mẹ sau tuổi 16. Vanessa và Meijer gặp nhau tại một nhà ga trung tâm và nói chuyện trong một giờ. Cô chủ động chọn nơi công cộng vì lý do an toàn và nhận thấy Meijer có vẻ hoàn toàn bình thường.
Anh chia sẻ nếu thành công, đây sẽ là đứa con thứ 8 được thụ thai từ tinh trùng của anh. Vanessa hài lòng với lựa chọn của mình, trả tiền cho Meijer và đến bệnh viện làm thụ tinh nhân tạo.
Hai năm sau, khi cố gắng tìm Meijer một lần nữa để thụ thai đứa con thứ hai, Vanessa bắt đầu phát hiện trò lừa đảo nghiêm trọng của người đàn ông này. Cô tham gia một nhóm những bà mẹ đơn thân trên Facebook và bàng hoàng khi biết rằng Meijer đã thụ tinh thành công ít nhất 102 trẻ em, chỉ tính riêng ở Hà Lan. Bà mẹ 36 tuổi chết lặng.
"Tôi thực sự hoang mang và không biết làm gì", cô chia sẻ. Tuy nhiên, Vanessa vẫn tiếp tục liên lạc với Meijer và nhận tinh trùng. Cô cũng đối chất với anh về những lần mua bán tinh trùng trước đây.
"Anh ta bảo 'Tôi chỉ đang giúp phụ nữ thực hiện điều ước của họ'", Vanessa kể lại. Cô ngạc nhiên hơn khi anh thừa nhận đã hiến tinh trùng cho 175 người, con số thực tế thậm chí có thể nhiều hơn.
Vanessa rất tức giận vì hiểu rằng con trai mình có thể có hàng trăm anh chị em cùng cha khác mẹ, nguy cơ loạn luân là có thật.
Cô thông báo vụ việc cho Quỹ Tài trợ Trẻ em Hà Lan, thu thập báo cáo của những người cùng cảnh ngộ. Một số phụ nữ từng nhận tinh trùng của Meijer thậm chí còn làm chung một công ty mà không hề hay biết.
"Thật kinh khủng, tôi muốn mọi chuyện dừng lại. Điều này quá nguy hiểm với lũ trẻ. Chúng có thể gặp gỡ và yêu nhau", một trong những người mẹ nói.
Meijer bị đưa ra tòa vào năm 2023 và bị cấm hiến tinh trùng ở Hà Lan, đồng thời nhận án phạt 100.000 euro. Một tòa án ở Hague yêu cầu anh cung cấp danh sách các phòng khám đã hiến tặng để có thể loại bỏ tinh trùng, đồng thời cấm anh quảng cáo dịch vụ của mình ở nước này.
Dù vậy, nhiều người cho rằng điều này là quá muộn. Meijer đã hiến tinh trùng từ năm 2007, kể cả ở nước ngoài, có thể đã làm cha của 550 đến 600 đứa trẻ. Theo một tình nguyện viên của Tổ chức Tài trợ Trẻ em Hà Lan, có thời điểm, anh lập 8 hồ sơ hiến tặng trực tuyến ở Đức, Italy và Hà Lan. Tình nguyện viên này đã liên lạc với các gia đình trên thế giới từng bị Meijer lừa đảo và thống kê, anh có con ở Mexico, Mỹ, Serbia, Australia và Romania. Giám đốc quỹ, Ties van der Meer, cho biết Meijer có thể có tới 1.000 đứa trẻ.
Số trẻ em được thụ thai thông qua hiến tặng tinh trùng trên toàn cầu hiện chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo Cơ quan Quản lý Vương Quốc Anh, Cơ quan Thụ tinh và Con người (HFEA), việc hiến trứng, tinh trùng và phôi hiện chiếm một trên 170 ca sinh nước này. Kể từ năm 1991, 70.000 trẻ em được sinh ra bằng hình thức thụ tinh nhân tạo và tinh trùng hiến tặng.
Luật hiến tinh trùng khác nhau tùy theo quốc gia, song các phòng khám được cấp phép thường có giới hạn về số trẻ ra đời bằng tinh trùng của một người. Ở Hàn Lan là 25 trẻ em trong 12 gia đình, Anh giới hạn 10 gia đình nhưng không có giới hạn về số trẻ trong một gia đình. Thêm vào đó, tinh trùng cần trải qua cuộc kiểm tra nghiêm ngặt.
Hiến tặng tinh trùng bừa bãi có thể vô tình tạo ra những cuộc hôn nhân cận huyết. Trẻ được sinh ra từ hôn nhân cận huyết rất dễ mắc các bệnh dị dạng về xương, thiểu năng trí tuệ, phình to bụng, bạch tạng, tan máu bẩm sinh, hồng cầu liềm, nguy cơ tử vong là rất lớn. Những bệnh lý này di truyền đến các thế hệ sau, gây ra suy thoái giống nòi.
Hôm 5/7, Jonathan Jacob Meijer trong video trên kênh Youtube cá nhân đã thông báo vừa gửi khiếu nại đến Netflix yêu cầu xóa phim tài liệu The Man With 1000 Kids - Người đàn ông có 1.000 đứa con. Loạt phim tài liệu nói về Meijer hiện là chương trình được xem nhiều nhất của Netflix tại Hà Lan.
Meijer phủ nhận nội dung phim có đoạn nói anh "trộn tinh trùng với một người hiến tặng khác trước khi đưa cho người nhận để xem tinh trùng của ai sẽ thắng". Nếu khiếu nại không được đáp ứng, người đàn ông dọa sẽ khởi kiện.
Thục Linh (Theo Standard)