Ngày cuối tháng 6, nhận sửa chiếc đài radio vỏ gỗ sản xuất từ giữa thế kỷ 19 ở châu Âu, ông Phạm Bảo Toàn (76 tuổi) lại lần mò bắt bệnh bởi thiết bị quá cũ, máy móc hỏng hoàn toàn. "Ca này nặng, vì là hàng độc bản nên sẽ phải tự chế linh kiện chứ không thể kiếm được ở đâu", ông Toàn, người chuyên sửa đài radio, cassette cổ và dàn âm thanh băng cối ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng), nói.
Vài năm gần đây nhiều người có thú chơi sưu tầm radio cổ, giá vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng bởi kiểu dáng sang trọng, âm thanh có độ trầm ấm đặc trưng.
Ông Toàn cho biết: "Nhiều sản phẩm khách đem đến sửa gần như hỏng hẳn nhưng tôi vẫn nhận làm vì muốn hồi sinh chúng".

Ông Bảo Toàn đang sửa chữa chiếc đài radio cổ sản xuất những năm 1960 tại châu Âu, đầu tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Gia đình không ai theo nghề kỹ thuật điện tử nhưng từ năm 14 tuổi cậu học sinh Bảo Toàn đã tìm đọc cách chế tạo đài bán dẫn qua các bài viết trên tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh (tiền thân của Tạp chí Thông tin và Truyền thông). Đến lúc gia đình có chiếc đài radio "ba bóng chín chân" đầu tiên, ông lén tháo ra mày mò để hiểu rõ cấu tạo và nguyên lý hoạt động.
Đầu những năm 1960, mỗi lần nghe tin bộ đội bắn rơi máy bay ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), ông Toàn đạp xe hơn chục cây số sang mua các bóng bán dẫn to hơn đầu ngón tay thu từ xác máy bay, sau tìm thêm vài cục pin, miếng tôn mỏng làm vật liệu chế tạo đài bán dẫn. Lần đầu nghe âm thanh rè rè phát ra từ chiếc đài tự chế dài 25 cm, cao 15 cm, cậu thiếu niên nhảy cẫng lên vì vui sướng. Từ đó, ông có nghề chế tạo đài bán dẫn 3 bóng, 4 bóng bán giá rẻ cho người cần.
Năm 1972, khi đang là công nhân tại Xí nghiệp đóng tàu Hải Phòng, ông Toàn được điều chuyển đến tổ rà phá bom dưới nước. Trong lần xin vào nhà dân ở ngoài đảo Cát Hải ngủ nhờ thấy gia đình có đến bốn chiếc đài hỏng, xếp trong góc bếp, ông ngỏ ý sửa giúp. "Với người đi biển, đài là vật là bất ly thân để cập nhật thời tiết, thông tin từ đất liền nên tôi muốn sửa, chứ vứt đi uổng quá", ông giải thích.
Kể từ đó tiếng tăm "ông Toàn sửa đài" dần lan truyền, người dân đảo Cát Bà, Cát Hải (Hải Phòng) cho đến khu vực Quảng Yên, Hạ Long, Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đánh thuyền đi đón thợ về sửa.
Sau năm 1975, chàng trai đất Cảng gắn bó với nghề sửa chữa đài radio. Tháng đôi lần, người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé lại đạp xe từ Hải Phòng đi Hải Dương, Hà Nội hay ngược xuống Ninh Bình, Nam Định sửa đài. "Ngày ấy không có điện thoại, tôi cứ hẹn người dân ở các tỉnh một ngày cố định mang toàn bộ đài hỏng ra đầu làng chờ sửa. Tiền không nhiều nhưng lấy công làm lãi, đủ nuôi gia đình", ông kể.
Đến những năm 2000, tivi, máy tính dần thay thế cho đài radio, cassette, ông chuyển sang sửa đài radio cổ sản xuất tại Đức, Nga, Đan Mạch từ thế kỷ 18, 19 được các tay buôn nhập về.
Người thợ già cho biết sửa chữa đài cổ gồm 3 bước cơ bản: kiểm tra tổng quát, tìm nguyên nhân hư hỏng; sửa chữa, thay thế phụ tùng; và cuối cùng là chạy thử, kiểm tra chất lượng máy và loa. Nhưng khó và mất thời gian nhất là việc tìm linh kiện bởi nhiều chiếc không còn đồ thay thế, buộc phải thay toàn bộ máy hoặc chế tạo các linh kiện có chức năng tương đương.
"Hơn 60 năm gắn bó với nghề, sửa hàng ngàn chiếc đài cổ nên chỉ cần khách nói sơ qua về triệu chứng tôi dễ dàng truy ra bệnh. Giờ chẳng cái đài cổ nào làm khó được tôi", ông Toàn nói.
Bước sang tuổi 76, khi hầu hết đồng nghiệp đều bỏ nghề, người thợ già vẫn miệt mài làm việc bởi mắt còn tinh tường, tay chân chưa run khi thực hiện các mối hàn. Công việc nhiều, nhưng bệnh tật không trừ ai. Trong lúc điều trị tiền liệt tuyến tại bệnh viện năm 2022, ông liền trốn về nhà sửa đài bởi nhớ nghề.
Chị Thanh Huyền, con gái ông Toàn, kể: "Lần ấy tôi bắt gặp bố mặc áo sọc của bệnh viện, bên hông vẫn gắn ống thông tiểu ngồi sửa đài mà vừa bực vừa thương".

Hình ảnh ông Toàn vẫn mặc đồ bệnh viện lén trốn về nhà để sửa đài cổ được con gái Thanh Huyền chụp lại hồi tháng 8/2022. Ảnh: Gia đình cung cấp
Là thợ sửa chữa có tiếng tại Hải Phòng nhưng không ít lần ông Toàn chạnh lòng khi bị khách nghi ngờ đánh tráo linh kiện hoặc đổ lỗi làm xây xước bề mặt. Về sau, mỗi lần nhận đài ông đều dùng điện thoại quay lại toàn bộ hiện trạng để dễ đối chứng.
Khoảng 10 năm trở lại đây, số khách tìm đến tiệm sửa chữa của ông Toàn tăng mạnh bởi nhu cầu chơi và sưu tầm đài cổ lớn. Ngoài Hải Phòng, nhiều khách ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định đến các tỉnh miền Nam cũng tìm đến. Trung bình mỗi ngày ông nhận tối đa 2-3 chiếc radio cổ, thời gian sửa chữa 1-5 ngày.
Cuối tháng 6, anh Vũ Văn Thích (52 tuổi) ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) mang chiếc radio Mexico sản xuất năm 1970 đến nhà ông Toàn, theo lời bạn bè giới thiệu. Anh cho biết: "Tôi từng mang chiếc đài này đến nhiều nơi sửa nhưng đều bị từ chối bởi không ai biết làm. Nhưng nay tìm được bác Toàn, giờ chiếc radio cổ của tôi chạy ổn định, âm thanh phát ra nghe đã tai lắm".
Là người buôn bán đài cổ có tiếng ở quận Lê Chân (Hải Phòng), anh Trần Quang Học trở thành khách quen của tiệm ông Toàn hơn chục năm nay. Trung bình mỗi năm anh Học gửi hơn chục chiếc đài cổ ở các nước nhờ người già thợ "trị bệnh".
"Trước những năm 2010, tìm địa chỉ sửa đài radio cổ ở Hải Phòng không khó, nhưng nay toàn thành phố chỉ còn 2-3 thợ biết sửa, bất chấp nhu cầu chơi đài cổ tăng. Trong số này, ông Toàn là người có tay nghề cao, giá thành sửa chữa phải chăng", anh Học nói.

Ông Bảo Toàn bên chiếc đài radio cổ vừa sửa xong cho khách tại nhà riêng, đầu tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Vào thời hoàng kim của nghề sửa chữa đài cổ, nhiều thời điểm cửa tiệm nhỏ của ông Toàn có đến 5-7 người trẻ xin đến học nghề. Nhưng học viên kiên nhẫn nhất chỉ được nửa năm, ít thì vài ngày đều bỏ nghề bởi công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ nhưng thu nhập không cao. Đây cũng là lý do khiến người thợ già trăn trở khi chưa tìm được người truyền nghề.
"Nhìn cái nghề gắn bó với mình hơn nửa đời người dần mai một tôi tiếc lắm, cũng mong tìm người truyền dạy mà chưa có. Nên giờ còn sức tôi còn làm, mong 'hồi sinh' thêm nhiều chiếc đài tưởng chừng chỉ là phế liệu", ông Toàn nói.
Quỳnh Nguyễn