Sau tai nạn, bệnh nhân ở Nam Định, được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ cầm máu, chụp chiếu kiểm tra tổn thương xương hàm và phần mềm vùng nền cổ, lên kế hoạch rút dị vật.
Ngày 19/6, bác sĩ Ngô Hải Sơn, khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình Thẩm mỹ, cho biết ê kíp từ các khoa gây mê hồi sức, tim mạch lồng ngực, phẫu thuật tạo hình hàm mặt đã phối hợp để lấy dị vật. Bệnh nhân được xử lý các tổn thương như gãy xương hàm dưới và vết thương nền cổ.
"Nếu vết thương chỉ thêm một cm nữa là sẽ đứt động mạch - tĩnh mạch cảnh ở vùng cổ bên, bệnh nhân sẽ tử vong", bác sĩ Sơn nói.
Hiện sau mổ, tình trạng người bệnh ổn định, có thể sinh hoạt, ăn uống bình thường.
Các bác sĩ hướng dẫn sơ cứu và cấp cứu các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể, đặc biệt là nghi ngờ đâm vào các mạch máu lớn, như sau:
Không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu. Trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm. Nếu vội vã rút ra, bệnh nhân có thể chết vì chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, rút dị vật còn làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, tạo khó khăn cho bác sĩ khi xử trí tổn thương. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên.
Khi sơ cứu, cấp cứu, người thực hiện cần băng cố định dị vật, bằng băng thun, vải. Cách này nhằm không cho vật nhọn xê dịch làm tổn thương nặng nề hơn, tránh chảy máu nhiều và giảm đau đớn cho bệnh nhân.
Lê Nga