Ngày 12/7 người này đi bắt rắn, bị rắn cạp nia cắn vào ngón trỏ bàn tay phải, sơ cứu bằng cách rửa và bôi thuốc tự chế. Sau đó, ngón tay ngày càng đau nhức, sưng to, gia đình đưa anh đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh.
Bác sĩ Phạm Thanh Tùng, Khoa Cấp cứu, cho biết, rất may mắn người bệnh đã sơ cứu bằng cách rửa sạch, phần nào loại bỏ bớt nọc độc rắn nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên ngay khi nhập viện người bệnh diễn biến nhanh và xấu dần như liệt cơ hô hấp, liệt cánh tay phải. Các bác sĩ tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản thở máy, giúp anh qua cơn nguy kịch.
Chỉ riêng tháng 6 và nửa đầu tháng 7, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận 13 bệnh nhân bị rắn độc cắn. Hiện là giai đoạn thời tiết ẩm ướt, nước ngập nhiều, các loài rắn độc thường tìm nơi khô ráo để trú ngụ và tấn công để tự vệ khi đụng với con người. Đó là lý do khiến số người nhập viện do rắn cắn có xu hướng tăng.
Sơ cứu khi bị rắn cắn, bác sĩ khuyên không nên thắt garô vết thương vì sẽ khiến máu không lưu thông được qua vị trí garô để đi nuôi cơ thể, gây hoại tử các cơ quan phía dưới vùng bị buộc dây. Người bệnh không được đắp các loại lá thuốc dân gian bởi có thể làm tình trạng nghiêm trọng hơn như rối loạn đông máu, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng huyết dẫn tới tử vong.
Khi bị rắn cắn, cần rửa ngay vết thương bằng nước sạch, nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và can thiệp kịp thời.
Thúy Quỳnh