Trước đó bệnh nhân cấp cứu tại một bệnh viện và được đặt thông tiểu qua niệu đạo. Bệnh chuyển biến nặng, anh được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng bí tiểu, bàng quang chướng lớn, máu sậm chảy ra từ lỗ thông tiểu. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân hở vùng xương chậu, tổn thương nhiều cơ quan xung quanh, niệu đạo bị xé rách.

Bệnh nhân hồi phục sau mổ. Ảnh: T.P
Bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng, Bệnh viện Bình Dân cho biết, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu đưa ống thông trực tiếp vào bàng quang bệnh nhân dẫn lưu nước tiểu ra ngoài. Kíp mổ đặt lại niệu đạo dưới sự định hướng của máy soi ống mềm có thể uốn cong qua các góc tự nhiên của cơ thể, không gây tổn thương thêm niệu đạo.
"Giải pháp này giúp kéo hai đầu niệu đạo bị đứt gần lại nhau, tránh nguy cơ hẹp niệu đạo, di lệch niệu đạo 30 đến 40%", bác sĩ Hùng phân tích. Trong trường hợp có xuất hiện hẹp niệu đạo thì phẫu thuật nội soi điều trị sau đó cũng dễ dàng hơn. Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng nặng dẫn đến sốc tử vong.
Theo bác sĩ Lệnh Hùng, hẹp niệu đạo nếu không được điều trị bệnh nhân sẽ phải mang túi nước tiểu bên mình, có trường hợp mất luôn khả năng đàn ông. Nếu không phẫu thuật đúng kỹ thuật thì khả năng tái hẹp niệu đạo rất dễ xảy ra. Nhiều bệnh nhân phải mổ hẹp niệu đạo 5-6 lần ở nhiều nơi mà vẫn không thành công. Hẹp niệu đạo lâu dài ảnh hưởng chức năng thận, bàng quang. Quá trình đặt ống thông tiểu lại dễ khiến nhiễm trùng và kích thích tạo sỏi vùng đặt ống.
Lê Phương