Là người sáng lập một công ty phần mềm ở Melbourne (Australia), công việc bận rộn nhưng ba năm qua anh Vũ Khắc Tâm thường xuyên đi về Việt Nam. 6 lần về, vào Nam ra Bắc, nhưng đến nay anh vẫn chưa tìm được thông tin khả quan nào về mẹ đẻ của mình.
Ký ức của anh Tâm trước năm 48 tuổi, không hề mảy may biết đến người mẹ này, bởi anh được cha mẹ nuôi dành cho một tình yêu quá lớn. "Từ lúc tôi còn nhỏ, tôi đã được mẹ chăm rất kỹ và không cho ai đụng vào. Nhà tôi ngày xưa ở Việt Nam hay bên này đã có điều kiện, có người giúp việc", anh Tâm cho hay.
Năm 12 tuổi, cha mẹ đưa anh sang đất nước chuột túi định cư. Được sự nuôi dưỡng tỉ mỉ và dạy dỗ của cha mẹ, cậu bé Vũ Khắc Tâm vào học trong một trường dòng, thành tích lúc nào cũng nổi bật và đã giành được nhiều bằng cấp tại đây. Trưởng thành, anh Tâm từng nắm giữ chức vụ cao ở tập đoàn dầu nhớt BP (Anh) và lấy vợ người Anh.
Cách đây hơn chục năm, thấy sức khoẻ cha mẹ yếu, anh quyết định quay trở về Australia lập nghiệp để được phụng dưỡng cha mẹ. Năm 2001, bố anh qua đời vì một cơn bạo bệnh, đến năm 2013, mẹ anh cũng từ giã cõi đời.
"Những ngày chăm sóc mẹ ốm, mẹ mới trăn trối lại rằng tôi là con nuôi của bố mẹ. Lúc đó tôi đã không thể tin được sự thật ấy, bởi tình yêu bố mẹ dành cho tôi mênh mông trời bể", người đàn ông 52 tuổi tâm sự.
Lo tang cho mẹ ổn thoả, anh bắt đầu nghe ngóng thông tin về mẹ đẻ mình. Năm 2014, anh về nước đến vùng Trực Ninh (Nam Định) tìm mẹ, nhưng đợt đó nhiều người đến nhận bà con quá nên anh không biết xử lý thế nào.
Năm 2015, 2016, anh tiếp tục thu xếp công việc về Việt Nam 3 lần nhưng cũng như những lần trước không nhận được kết quả khả quan.
Đầu năm 2017, người đàn ông này tìm đến xóm nhỏ từng ở ngày xưa trên đường Thành Thái (quận 10, TP HCM). Tại đây, anh tìm ra được nhà cậu mợ mình (em trai mẹ nuôi) và qua đó được trả lại tờ giấy chứng sinh đã được mợ anh lưu giữ hơn 50 năm.
"Trên tờ giấy viết tôi tên là Bùi Duy Tân, sinh năm 1966, mẹ tôi là Bùi Thị Mão, sinh năm 1951, sinh ra vào mùa đông tại nhà hộ sinh ở Gò Vấp", anh Tâm cho hay. Những người lớn tuổi cũng phán đoán, mẹ anh có thể là người Nam Định, hoặc Thái Bình, vào Sài Gòn từ năm 1954.
Đợt này anh kết nối được với một người Việt đang sinh sống tại Mỹ, chính là người đã bế anh từ tay mẹ ruột trao qua cho bố mẹ nuôi. Qua những thông tin người phụ nữ này kể, anh Tâm biết được rằng năm xưa khi đi Bệnh viện Từ Dũ khám và biết không thể có con, bố mẹ anh đã quyết định xin con nuôi.
Vài ngày sau, họ nghe có một cô gái 15 tuổi bế một đứa trẻ mới sinh, đi cùng bố, đang tìm người cho con. Điều kiện duy nhất họ đưa ra là người nhận phải có đạo Thiên Chúa, bởi ông bố là người đang làm việc trong hội đồng mục vụ của một giáo xứ. Bố mẹ nuôi anh đủ điều kiện nên được ông ấy tin tưởng giao cho đứa bé.
"Lúc đó mẹ đẻ tôi khóc nhiều lắm, không muốn cho tôi, nhưng bà mới 15 tuổi, chỉ có thể níu kéo trong sự bất lực. Cho tôi đi, mẹ cũng đưa luôn giấy chứng sinh. Sau khi nghe được câu chuyện chia ly như vậy, tôi đã không cầm được nước mắt và càng quyết tâm tìm mẹ hơn", anh Tâm xúc động kể.
Cuối năm 2017, anh tiếp tục về Việt Nam tìm tới các nhà thờ tại TP HCM. Nhờ một số linh mục tận tình giúp đỡ, anh cũng thu được các thông tin khả quan. Tuy nhiên khi tới những nơi đó để hỏi thì những người có khả năng liên quan đã không còn ở đó nữa và không ai biết họ đã đi đâu.
Bao nhiêu nỗ lực đi vào bế tắc. Giờ đây, anh Tâm không còn manh mối nào khả quan tìm được mẹ nữa. Cũng như bố mẹ nuôi, vợ chồng anh Tâm không có con. Từ lúc biết mình được sinh ra từ người mẹ 15 tuổi, anh chỉ có một mong mỏi được tìm mẹ, được chăm sóc mẹ tuổi già.
"Nếu sự tìm kiếm này ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống hiện tại của mẹ thì mong mẹ tha lỗi cho con. Còn nếu như không ảnh hưởng thì mong mẹ liên hệ với con. Con muốn được phụng dưỡng mẹ", anh Tâm nhắn nhủ.
Một số thông tin về mẹ anh Tâm: - Bà tên Bùi Thị Mão, sinh năm 1951, có thể người Thái Bình, hoặc Nam Định. - Cuối năm 1966, khi 15 tuổi, bà sinh con là Bùi Duy Tân tại một nhà hộ sinh ở Gò Vấp. - Gia đình theo đạo Thiên Chúa và bố làm trong một giáo xứ. |
Phan Dương