Paul Alexander, người đàn ông Mỹ sống trong lá phổi sắt suốt hơn 70 năm sau khi bị bại liệt, qua đời ở tuổi 78, Live Science hôm 13/3 đưa tin. Alexander nhiễm căn bệnh do virus gây ra khi mới 6 tuổi, vào mùa hè năm 1952 trong lúc sống ở Texas. Mãi tới năm 1955, vaccine phòng bệnh bại liệt hiệu quả đầu tiên mới được cấp phép. Dù nhiều người mắc bệnh bại liệt không bộc lộ triệu chứng, khoảng 1 trong 200 ca bệnh bị liệt suốt đời. Trong số đó, khoảng 5 - 10% tử vong do các cơ dùng để hít thở của họ không hoạt động.
Trong trường hợp của Alexander, căn bệnh quái ác khiến ông liệt từ cổ trở xuống và không thể tự thở, vì vậy các bác sĩ đặt ông trong lá phổi sắt, một công nghệ hỗ trợ sự sống hiện đại thời đó có thể giúp bệnh nhân hít thở. Trong 70 năm tiếp theo, Alexander học đại học, trở thành luật sư và xuất bản một cuốn sách kể về cuộc đời ông mang tên "Three Minutes for a Dog". Cái chết của Alexander được thông báo trên trang GoFundMe của Christopher Ulmer, một nhà hoạt động vì người khuyết tật Mỹ từng gặp và phỏng vấn Alexander năm 2022.
Bệnh bại liệt hay còn gọi là poliomyelitis là bệnh do virus gây ra có khả năng lây nhiễm cao, chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em dưới 5 tuổi. Căn bệnh thường truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc với phân của bệnh nhân hoặc qua giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Sau khi ở trong cơ thể, virus polio nhân lên ở cổ họng và ruột, đôi khi xâm chiếm hệ thần kinh, dẫn tới tình trạng liệt.
Lá phổi sắt ra đời trong khi bệnh bại liệt lan tràn khắp châu Âu và Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20. Cỗ máy đầu tiên được sử dụng năm 1928 để cứu sống một bé gái 8 tuổi ở Bệnh viện nhi Boston. Thiết bị là hình trụ lớn nằm ngang đóng vai trò như máy hô hấp nhân tạo, hoạt động bằng cách mô phỏng quá trình thở. Ban đầu, không khí được hút ra khỏi hộp bằng máy bơm điều khiển bằng tay hoặc motor. Điều này tạo ra chân không khiến phổi của bệnh nhân giãn ra và hút khí vào. Sau đó, không khí được đưa trở lại hộp, làm tăng áp suất bên trong, kéo theo phổi của bệnh nhân xẹp xuống để đẩy khí.
Vaccine bại liệt đầu tiên triển khai vào thập niên 1950 do nhà virus học người Mỹ Jonas Salmok phát triển. Sau đó, một sáng kiến toàn cầu giúp xóa sổ bệnh bại liệt vĩnh viễn từ năm 1988. Nỗ lực đó giúp giảm hơn 99% số ca mắc bệnh. Ước tính có 350.000 ca mắc bệnh bại liệt ở 125 nước vào năm 1988, nhưng chỉ có 6 ca bệnh ở hai nước trong năm 2021. Hiện nay, virus bại liệt tuýp 1 vẫn tuần hoàn ở Pakistan và Afghanistan. Do số canh bệnh giảm mạnh, lá phổi sắt cũng biến mất dần, chỉ còn vài người như Alexander vẫn sử dụng thiết bị. Thay vào đó, bệnh nhân ngày nay sử dụng máy thở hiện đại, nhờ đó họ không cần nằm bất động trong hộp hình trụ.
An Khang (Theo Live Science)