Buổi trưa, con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, vắng người qua lại. Không có khách, anh Tuấn sắp xếp lại khoảng chục đôi giày cũ người dân mang đến, đặt lên tủ để tặng cho những người nghèo.
Cửa tiệm sửa giày dép nhỏ đặt ngay bên hông nhà không có bảng hiệu nhưng lại có tấm bảng nhỏ màu sắc rất nổi bật, viết dòng chữ: Tuấn - nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị.
"Việc tôi làm chẳng to tát gì, chỉ là bỏ chút thời gian dán keo hay khâu vài đường chỉ thôi mà", anh Tuấn, 45 tuổi, nói.
Huỳnh Thanh Tuấn là người gốc Sài Gòn. Thuở nhỏ, mỗi lần đi học ngang tiệm sửa giày dép trên vỉa hè, ông chủ tiệm thường trêu: "Sau này không đi học nữa thì tới đây chú dạy nghề cho". Tưởng chỉ là câu nói đùa, không ngờ sau đó anh xin cha mẹ cho theo học nghề này luôn.
"Ba năm ngồi vỉa hè học nghề, tôi để ý hơn tới những đôi giày, dép mà người đi đường đang mang. Cánh đàn ông lái ba gác, xích lô hay những người bán vé số thường mang những đôi đế đã mòn, có những đôi đế mỏng như một chiếc dao cạo", anh Tuấn nhớ lại.
Có lần, một người đàn ông đạp xích lô đến cửa tiệm, cởi đôi dép da đang đi, nhờ anh Tuấn sửa. Thấy quai đã sứt, đế đã mòn, anh khuyên nên bỏ mua đôi mới. Người đàn ông giãi bày: "Tôi không đủ tiền để mua dép mới. Chú ráng sửa cho tôi".
"Tôi không giàu nhưng thấy có nhiều người còn khổ hơn mình. Sau này có nghề, nhất định tôi sẽ giúp những người khó khăn sửa giày dép", anh Tuấn tâm sự.
Năm 2000, anh Tuấn "tốt nghiệp" và mở tiệm sửa giày cũng trên vỉa hè gần khu vực chợ Bàn Cờ, quận 3, nơi tập trung nhiều người nghèo mưu sinh. Ngay từ những ngày đầu làm ăn riêng, chàng trai đã đề ra tôn chỉ: Không lấy tiền của người lao động nghèo. "Mình ít đi lại nên giày dép lâu hư chứ người lao động họ đi nhiều, dép nhanh mòn lắm, cứ mua và sửa liên tục thì làm gì có tiền", anh nói.
Ông Nguyễn Văn Minh, 68 tuổi, chủ một tiệm đàn gần chợ Bàn Cờ kể: "Lúc trước còn khó khăn, người ta mua được đôi dép mới là quý lắm. Có người còn mang đôi dép thủng một lỗ ở gót đến nhờ chú Tuấn sửa. Nhiều người thấy ảnh làm việc tốt cũng đem giày dép cũ đến nhờ anh tặng lại cho người cần".
Niềm vui của anh Tuấn là thỉnh thoảng nhận được vài trái xoài của người bán trái cây từng được anh sửa giày miễn phí. Những cô bác bán vé số thì nhất quyết dúi vào túi anh tờ vé số khi được tặng đôi giày "mới".
Nhiều người khó khăn tìm đến anh Tuấn, nhưng cũng có một vài người lợi dụng lòng tốt của anh. Có người trông khá giả cũng tìm đến, không phải một mà sửa miễn phí đến nhiều lần. Dù lòng có chút hoài nghi, nhưng ông chủ tiệm vẫn vui vẻ nhận sửa. "Người ta nhờ thì mình làm, trông vậy nhưng có khi họ đang khó khăn thật. Nếu cân đo quá nhiều thì không thể duy trì được công việc này. Từ hồi làm nghề đến giờ, tôi chưa từ chối sửa miễn phí cho ai", anh chia sẻ.
Anh Hải, 33 tuổi, một học trò đang học nghề và làm việc ở cửa tiệm anh Tuấn cho biết: "Khách mang dép đến sửa dù không có anh Tuấn ở tiệm thì em vẫn làm giúp họ bình thường. Học anh Tuấn, sau này nếu có một tiệm riêng, em cũng sẽ làm giúp bà con như anh đang làm".
Khoảng năm năm trở lại đây, lượng người đến nhờ sửa giày dép miễn phí giảm hẳn. Ông chủ tiệm dù đôi lúc buồn vì "ế khách", nhưng anh cũng mừng thầm nghĩ: "Chắc bây giờ thu nhập của họ cũng đã khá hơn, việc mua một đôi dép mới cũng đã dễ dàng hơn ngày xưa. Nhưng với tôi, dù ít hay nhiều, miễn giúp được người khác bằng cái nghề của mình là điều khiến tôi vui ".
Diệp Phan