Ngày 10/4, trong căn nhà nhỏ nằm sát con đường ven biển thị xã Cửa Lò (Nghệ An), anh Hoàng Khắc Sửu chia sẻ rất vui khi được xóa tên khỏi danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS của phường và thị xã. Tuy nhiên, người đàn ông 42 tuổi này vẫn bức xúc vì suốt 13 năm qua phải mang bản án vô hình.
Bi kịch xảy ra trong thời gian anh Sửu thi hành án tại trại giam số 3 Bộ Công an. "Năm 2001-2003 tôi ở trại giam, thái độ bất thường của người thân khi lên thăm nuôi khiến tôi linh cảm mình đang mang căn bệnh HIV/AIDS. Tôi bắt đầu thấy tuyệt vọng, nghĩ mình sẽ không còn được bao lâu. Tinh thần lúc đó bấn loạn và suy sụp rất nhiều", anh Sửu kể.
"Những ngày tháng tiếp theo tôi thấy sức khỏe rất bình thường nên lại có thêm động lực. Tháng 8/2013, được đặc xá trước thời hạn, tôi xót xa khi biết mẹ già đã qua đời được ba tháng và trước khi mất, bà đinh ninh tôi mang bệnh AIDS", anh Sửu gạt nước mắt kể.Cuộc sống đặc biệt khó khăn khi anh Sửu mang hồ sơ tới đâu tìm việc đều bị từ chối.
Gần cuối năm 2014, thấy anh không có biểu hiện của người nhiễm HIV, Ban chỉ đạo phòng chống HIV ở phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, đã tư vấn cho anh đi xét nghiệm tự nguyện. Kết quả cả ba lần xét nghiệm tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đều cho kết quả âm tính.
"Cứ mỗi lần có kết quả âm tính, niềm vui lại tăng thêm", anh Sửu nói. Cho rằng mình đã bị kết luận oan 13 năm, anh Sửu nhiều lần làm đơn lên Sở Y tế, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, trả lại danh dự cho anh.
Ngày 6/4, trong thông báo về kết quả cuộc họp giải quyết đơn khiếu nại của công dân, Sở Y tế Nghệ An nêu rõ sau khi xác định ông Hoàng Khắc Sửu âm tính với virus HIV, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã yêu cầu xóa mã số có tên trong danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS của phường và thị xã.
Đề cập trách nhiệm của những người liên quan, Sở Y tế cho biết, năm 2003 việc lấy mẫu máu xét nghiệm cho các phạm nhân trong trại giam thuộc chương trình giám sát trọng điểm do Ban AIDS quản lý. Năm 2007, các số liệu của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được chuyển giao cho Trung tâm phòng chống HIV/AIDS. Sự việc đã xảy ra hơn 10 năm, số cán bộ tham gia trực tiếp lấy mẫu máu xét nghiệm và cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc cho các phạm nhân tại trại giam số 3 từ đó đến nay đã nghỉ hưu.
"Tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm, bộ phận phòng chống HIV/AIDS mới được thành lập, lúc đó trình độ khoa học, phương tiện máy móc và cả con người còn hạn chế... Ngành y tế chia sẻ sâu sắc với ông Sửu và gia đình, cảm ơn ông đã phản ánh sự việc", thông báo nêu.
Cho rằng trả lời của Sở Y tế Nghệ An là chưa thỏa đáng, anh Sửu kiến nghị: "Tôi và người thân tổn thất tinh thân rất nặng nề hơn 10 năm qua, giờ đây chỉ mong cấp có thẩm quyền vào cuộc làm rõ đúng sai, bồi thường về tinh thần cho tôi" anh Sửu nói.
Hải Bình