Anh Đặng Quang Hữu 43 tuổi, trong đó gần nửa phần đời gắn bó với nghề trồng rừng ở xã Hướng Hiệp, huyện rẻo cao Đăkrông (Quảng Trị). Hơn 20 năm trước, khi người dân chưa mặn mà với trồng rừng, vợ chồng anh Hữu đã phát quang 30 ha đồi trồng rừng, 5 ha trồng sắn.
“Ngày trước đồi núi hoang vu, tay chân toé máu, chai sần vì làm thủ công”, anh Hữu nhớ lại. 10 năm trước, vợ chồng anh có tích cóp, thu nhập ổn định. Thấy anh phất lên, nhiều người thiểu số Vân Kiều tìm đến học hỏi, ngỏ lời vay mượn tiền làm vốn.
“Ban đầu tôi chỉ cho vài người quanh xóm mượn đôi ba triệu. Anh em nói miệng với nhau, chứ không giấy tờ hay lời lãi”, anh Hữu nói. Được tiếng tốt, năm này qua năm khác, người dân tìm đến anh vay tiền nhiều hơn, số tiền lớn dần lên đến 10 triệu đồng mỗi hộ vay.
Những năm gần đây, vào đầu vụ sắn, số người vay tiền anh Hữu lên đến 500-600 hộ, số tiền 1,5-2 tỷ đồng. Mỗi hộ chỉ vay 2-10 triệu đồng để mua giống, phân bón…
“Nhiều khi trong nhà hết tiền, tôi phải vay ngân hàng cho người dân mượn. Tôi phải trả lãi ngân hàng nhưng tuyệt nhiên không lấy lãi của họ”, anh Hữu nói. Người vay nhiều, anh Hữu phải sắm cuốn sổ ghi chép, vào cuối năm gạch nợ với người vay trồng sắn. Những người trồng rừng thì anh phải chờ đến 6-7 năm.
Anh Hữu nói xuất thân từ nông dân, hiểu được cái khó của nông dân nên không tính lãi, cũng không thúc ép trả nợ. Đến nay, không chỉ người dân xã Hướng Hiệp nơi anh cư trú mà nhiều xã lân cận như Đăkrông, Krông Klang… cũng tìm đến mượn tiền.
Cho vay nhiều nhưng 10 năm qua, anh Hữu nói chưa ai quỵt nợ. “Người dân ở đây chất phác, lấy niềm tin làm đầu nên tôi chưa mất đồng vốn nào”, anh Hữu bộc bạch. Gặp năm mất mùa, cả chủ nợ lẫn người vay chỉ biết nhìn nhau cười trừ, hẹn vụ mùa năm sau.
Nhiều hộ dân sau khi vay vốn làm ăn đã thoát nghèo, có tài sản lớn. Như hộ anh Hồ Văn Vân (trú xã Hướng Hiệp) từ hai bàn tay trắng nay có 15 ha rừng trồng, thu nhập hàng trăm triệu mỗi vụ rừng.
Ông Hồ Chí Cường, Chủ tịch xã Hướng Hiệp nói anh Hữu là “ân nhân của hàng trăm hộ nông dân”. “Người dân không có tài sản nên ngân hàng không cho vay, nhờ anh Hữu mà họ có đồng vốn làm ăn”, ông Cường nói.
Với tấm lòng nhân ái đó, năm 2016, anh Hữu được Hội nông dân Việt Nam và báo Nông thôn ngày nay vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, “Nông dân nhân ái nhất Việt Nam 2016”.