Những ngày trước, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) mỗi ngày chỉ có vài chục người đến xét nghiệm. Nhưng từ ngày 4/7 đến nay số người đến xét nghiệm nhanh Covid-19 tăng gấp 10 lần, lên hàng trăm người, cao điểm lên 1.000 người.
Từ 7h sáng, người dân đã xếp hàng đông chờ đến lượt xét nghiệm Covid-19. Các nhân viên y tế hướng dẫn, phân luồng để người dân ổn định chờ đến lượt. Tuy nhiên quá trình tổ chức xét nghiệm vẫn xảy ra gián đoạn, có những thời điểm bệnh viện phải thông báo ngưng nhận để ổn định tình hình.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh mở cửa nhận xét nghiệm từ 7h sáng đến 16h chiều nhưng do nhu cầu đông nên kéo dài đến 20h.
Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Bệnh Viện Lê Văn Thịnh, cho biết: "Số người đến xét nghiệm nhanh tăng ồ ạt dẫn đến tình trạng quá tải. Bệnh viện phải hẹn lại vào ngày khác để đảm bảo công tác xét nghiệm và phòng chống dịch".
Người đến xét nghiệm phần lớn thuộc nhóm tài xế, người cần giấy xét nghiệm để đi làm, qua lại giữa các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM, bác sĩ Khanh cho biết. Bệnh viện đã huy động hơn 20 nhân viên y tế các phòng ban hỗ trợ công tác xét nghiệm.
Bệnh viện Quân y 175 một tuần qua cũng luôn trong tình trạng quá tải do số người đến test Covid-19. Đại viện Bệnh viện cho biết những ngày trước số người đến xét nghiệm tại bệnh viện dao động ở mức 1.200-1.500 người. Tuy nhiên hai ba ngày trở lại đây, số người đến xét nghiệm "tăng đột biến" lên khoảng hơn 3.000 người mỗi ngày.
"Cao điểm, riêng sáng 5/7, số người đến lấy mẫu đã hơn 2.000. Người đến phần lớn là công nhân cần giấy xét nghiệm để được đi làm", đại diện bệnh viện chia sẻ.
Sáng 6/7, dòng người xếp thành hàng dài trên vỉa hè, tràn ra cả lòng đường kéo dài khoảng 200 m tính từ cổng bệnh viện. Mọi người đều đeo khẩu trang, không chen lấn. Tuy nhiên do quá đông người khiến việc đảm bảo giãn cách nhiều thời điểm chưa đúng quy định 1,5 m của Bộ Y tế.
Xếp hàng từ sáng, ông Nguyễn Trung Trí, 46 tuổi, cho biết: "Tôi là tài xế chở hàng, thường xuyên chạy khắp mấy tỉnh gần Sài Gòn, giờ không có giấy âm tính thì không lái xe đi đâu được cả. Hôm qua tôi đi hai nơi mà không chỗ nào làm nên nay xin nghỉ buổi sáng qua đây xét nghiệm".
Để đảm bảo công tác lấy mẫu, bệnh viện bố trí thêm các khu sàng lọc lấy mẫu riêng biệt. Trong tình huống phát hiện trường hợp dương tính nCoV, sẽ phong tỏa khu vực, chuyển xét nhgiệm qua khu khác, tiến hành các biện pháp khử khuẩn, khoanh vùng, tránh để dịch lây lan.
Bệnh viện huy động nhiều nhân viên để hỗ trợ và các máy xét nghiệm làm việc hết công suất 2.500 mẫu một ngày. Những trường hợp còn lại phải hẹn qua ngày khác.
Đại diện bệnh viện phân tích, dịch diễn biến phức tạp, một số bệnh viện khác hiện chỉ tập trung điều trị bệnh nhân nội trú, khiến những người có nhu cầu giấy chứng nhận tập trung đến bệnh viện này để làm xét nghiệm.
Viện Quân y 175 khuyến cáo người dân người dân trong trường hợp thật sự cần thiết mới đi lấy mẫu để tránh tình trạng chen lấn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm nCoV. Ngoài ra khi đến bệnh viện lấy mẫu cần tuân thủ các biện pháp 5K.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, Đồng Nai, từ 6h sáng người dân đã xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19. Bệnh viện bố trí nhân viên hướng dẫn người dân chuẩn bị sẵn các giấy tờ cần thiết và tuân thủ khoảng cách.
Những ngày gần đây, mỗi ngày cơ sở thực hiện khoảng 2.000 mẫu xét nghiệm, trong khi trước đó chỉ khoảng 200 mẫu.
"Bệnh viện phải huy động nhân viên y tế từ nhiều khoa để hỗ trợ công tác phân luồng, hướng dẫn người dân tuân thủ 5K", đại diện bệnh viện chia sẻ.
Trước đó, theo quy định của UBND Đồng Nai, từ 0h ngày 5/7, người ở tỉnh này nhưng làm việc tại TP HCM, Bình Dương và ngược lại muốn đi qua lại hai địa phương mỗi ngày, yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 7 ngày.
Trước đó, tại chợ Bình Điền, Ban Quản lý cũng yêu cầu người dân trình kết quả xét nghiệm nhanh âm tính nCoV để ra vào chợ, giấy này có giá trị 4 ngày. Mỗi tuần Ban quản lý chợ tổ chức xét nghiệm Covid-19 hai lần. Tuy nhiên, hiện chợ đầu mối Bình Điền đã dừng các hoạt động tập kết hàng trực tiếp từ 8h ngày 6/7 đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch.
Lê Cầm