Chiều 4/8, tại xã Nam Phương Tiến, nơi ngập sâu nhất của huyện Chương Mỹ, nước lũ đã rút 1,5-2 m so với cách đây 10 ngày. Con đường chính từ thôn Nam Hài đến thôn Nhân Lý chỉ còn điểm ngập khoảng 0,7 m trước cổng trường mầm non, điểm tại nhà văn hóa thôn Nhân lý và một số hộ sống ven sông.
Tại đầu thôn Nhân Lý, nếu như cách đây một tuần vẫn ngập hơn một mét thì hiện có thể đi lại. Nước rút đến đâu, bà con bắt đầu lau rửa nhà đến đấy. Nhiều loại rác được gom vào bao tải, chất ở ven đường chờ xe đến chở đi.
Dùng chổi đẩy bùn đất từ nhà ra sân, bà Lê Thị Niếu, 65 tuổi, ở thôn Nhân Lý, cho biết hai hôm nay đã ba lần dọn nhà. Nhiều loại rác, xác động vật theo dòng nước trôi vào nhà bốc mùi hôi thối. "Hôm trước tôi di chuyển đồ đạc lên mặt đê, giờ chỉ dám đưa một số vật dụng cơ bản xuống để sinh hoạt vì lo nước sẽ lên lại", bà Niếu nói.
Tại điểm trường mầm non xã Nam Phương Tiến, con đường dẫn vào trường vẫn ngập khoảng 0,7 m. Lúc cao điểm khu vực cổng, sân trường ngập 1,4 m, tầng một khu 4 phòng học, nhà bếp, phòng hành chính, phòng y tế và phòng hiệu phó ngập khoảng 0,7 m.
Từ hai ngày nay, hàng chục thầy cô, bộ đội, cảnh sát và người dân địa phương dùng xe chuyên dụng, vòi rồng phun nước đẩy bùn đất ra khỏi phòng học, sân trường để sẵn sàng chuẩn bị cho năm học mới.
Tại các xã Tốt Động, Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ, hiện nước đã rút, người dân cũng đã hoàn thành dọn dẹp, vệ sinh môi trường để trở lại cuộc sống bình thường. Từ ngày 1/8, toàn huyện Chương Mỹ đã huy động 220 chiến sĩ công an, gần 1.000 dân quân, thanh niên tổ chức tổng vệ sinh môi trường.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ cho biết đến ngày 4/8, huyện còn 9 xóm với gần 460 hộ bị ngập. Gần 2.800 nhân khẩu cần cứu trợ. Số người đang phải sơ tán là gần 1.350. Còn khoảng 9 km đường giao thông nông thôn, gần 80 km đường nội đồng bị ngập, lần lượt giảm hơn 5,5 km và gần 42 km so với hôm qua.
Huyện Chương Mỹ yêu cầu ở những vị trí nước rút, các xã tổ chức cho người dân trồng cây vụ đông sớm như dưa chuột, cà chua, rau. Các xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá sự cố công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi; kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi. Các phòng, ban của huyện triển khai phương án bảo đảm đời sống người dân, không để tình trạng không có nước sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão Prapiroon, từ ngày 23/7 mưa xối xả kết hợp với lũ rừng ngang từ Ba Vì, Lương Sơn (Hòa Bình) đổ về khiến lũ sông Bùi lên vượt báo động ba khoảng 40 cm. Nước tràn qua đê hữu Bùi khiến 2.500 dân ở chuyện Chương Mỹ và Quốc Oai bị ngập suốt 10 ngày, buộc phải sơ tán. 3 người thiệt mạng do mưa lũ.
Đến ngày 1/8, mức ngập ở khu dân cư vẫn là 0,5-1,5 m, trên cánh đồng 3-4 m, giảm khoảng 0,2-1 m so với lúc cao nhất. Đây là đợt ngập thứ tư trong 15 năm qua ở Hà Nội, sau các đợt tháng 10-11/2008, tháng 10/2017, tháng 7/2018.