Hôm nay, một số người dân sinh sống tại xóm đường Tàu (chắn 5 Trần Phú, quận Hoàn Kiếm) đã có đơn đề nghị chính quyền xem xét hỗ trợ người dân có cuộc sống sinh hoạt bình thường, kinh doanh đúng pháp luật mà không phải xóa bỏ địa điểm du lịch đang rất thu hút khách quốc tế.
Thừa nhận kinh doanh ở phố đường tàu là tự phát, người dân cho rằng đã tự nhắc nhau có ý thức an toàn khi không gian vốn chật hẹp nay lại có thêm du khách. Những người ngoài khi vào khu vực này dù không uống cà phê đều được chủ quán nhắc nhở về giờ tàu, thổi còi cảnh báo mỗi lúc đến giờ tàu chạy qua.
Ngày thường từ thứ hai đến thứ sáu, tàu hỏa chỉ chạy qua vào buổi tối mỗi ngày một chuyến nên hoạt động tham quan khá an toàn. Thứ bảy và chủ nhật, các biện pháp an toàn được tăng cường vì số chuyến tàu nhiều hơn và tàu chạy ban ngày.
Để xóm đường tàu thành điểm đến an toàn chứ không phải hiểm họa gây lo ngại cho chính quyền, người dân đề xuất ba nhóm giải pháp.
Về truyền thông nâng cao ý thức, nếu được sự hỗ trợ của chính quyền, người dân có thể phát các tờ rơi hướng dẫn an toàn bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp... để du khách đọc và ký cam thực hiện kết trước khi vào xóm đường tàu.
Về giải pháp tín hiệu an toàn đường sắt, ngành đường sắt có thể đưa ra các biện pháp kỹ thuật như giảm tốc độ tàu chạy, cảnh báo sớm bằng chuông, đèn tín hiệu chạy dọc tuyến có nhà dân, đóng chắn sớm trước khi tàu chạy để hạn chế khách vào, có bảng điện tử lớn ghi rõ giờ tàu chạy trong ngày.
Cuối cùng là giải pháp tăng cường nhân sự tại các điểm đầu tuyến. Sở Du lịch có thể bố trí các điểm phát tờ rơi, hướng dẫn viên du lịch cần thông tin chính xác điểm du lịch, có thể bố trí một vài điểm chụp ảnh check in với biểu trưng du lịch thủ đô cùng xóm đường tàu, đảm an toàn cho du khách.
Trước đó trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết quận sẽ nghiên cứu thêm các đề án gắn với tuyến đường sắt để tạo điểm nhấn về du lịch, nhưng vẫn phải trên cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật và đảm bảo sự an toàn tính mạng cho nhân dân.
Thống kê của quận Hoàn Kiếm, hiện có hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê ngay sát tuyến đường tàu đi qua các phường Hàng Bông, Cửa Đông, Cửa Nam, Hàng Mã và Đồng Xuân. Tất cả hộ đang kinh doanh đã vi phạm hành lang an toàn đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Gần nhất là trưa 18/9, tại khu vực chắn tàu phố Trần Phú - Lý Nam Đế, giáp ranh giữa phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm và phường Điện Biên, quận Ba Đình, một du khách Hàn Quốc đã va chạm với đoàn tàu khách từ Lào Cai về.
Thông tin từ cơ quan chức năng, mặc dù chắn tàu đã kéo, còi báo động đã vang lên và được nhiều người dân nhắc nhở, du khách vẫn lách qua chắn tàu, vào chụp ảnh ở xóm cà phê đường tàu. Ngay sau va chạm, du khách đã tự đứng dậy, rời khỏi hiện trường. Đoàn tàu khách phải dừng lại 2 phút.
Trước đó năm 2020, phố cà phê đường tàu Hà Nội là một trong các điểm đến nên tránh theo danh sách "No List" của tạp chí Fodors. "Những đoàn tàu chạy qua khu phố cổ với nhà cửa san sát hai bên tạo nên khung cảnh độc đáo với khách quốc tế. Tuy nhiên, hàng quán kinh doanh hai bên đường tàu thu hút ngày càng đông khách, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn giao thông. Một lái tàu từng phải giật phanh gấp vì khách đứng sát đường ray chụp ảnh", tạp chí này viết.
Từ đầu năm 2018, khu vực phía bắc ga Hà Nội xuất hiện tình trạng khách nước ngoài tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua. Sau đó, các hàng quán mọc lên trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Sau khi ngành đường sắt và Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến, Hà Nội đã yêu cầu các phường lập hàng rào ngăn du khách không chụp ảnh trên đường tàu.
Hiện tần suất đoàn tàu đi qua nội thành Hà Nội không nhiều. Từ ga Hà Nội có ba đôi tàu Hà Nội - Hải Phòng hoạt động vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Các ngày trong tuần, chỉ có một đôi tàu.
Ngoài ra, các ngày thứ hai, thứ năm, thứ sáu có một đoàn tàu khởi hành từ ga Hà Nội đi Lào Cai lúc 22h, chiều về ga Hà Nội lúc 6h sáng thứ tư và chủ nhật.
Võ Hải