Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết đã thông báo và hướng dẫn cho 44.464 tàu thuyền và 182.560 lao động trên biển trú tránh bão số 10.
Tuy nhiên, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 14 tàu cá với 97 ngư dân Quảng Ngãi. Các tàu thuyền này đang được hướng dẫn vị trí và hướng đi của bão để chủ động phòng tránh.
Nhiều hồ đập các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đã đầy và qua tràn. Cụ thể, hồ Tiên Lang, qua tràn 0,7 m; Minh Cầm: 0,3 m; Trung Thuần: 0,56 m (Quảng Bình); hồ Khe Tân: 0,2 m (Quảng Nam); hồ Suối Trầu: 0,1 m (Khánh Hòa). Một số hồ đã xả lũ điều tiết và đang đảm bảo an toàn.
Lúc 14h, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam tiếp nhận thông tin 4 tàu cá của ngư dân Bình Định đang hoạt động gần phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) gặp sóng to, gió lớn. Sau khi nỗ lực liên hệ, phía Trung Quốc đã có công hàm cho phép 4 tàu cá này vào đảo Hải Nam tránh bão.
Tại Đà Nẵng, hàng trăm ngư dân đã đổ ra các bờ biển đưa tàu tuyền và ngư cụ lên bờ. Lực lượng dân phòng, bộ đội, hải quân cũng được điều động giúp dân kéo tàu lớn lên tránh tạm ở các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều người dân dùng bao cát, can chứa nước để chằng chéo lại nhà cửa.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan hữu quan, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, trong đó lên phương án hạ cẩu tháp ở những công trình có thể xảy ra sự cố; đồng thời yêu cầu Sở Giáo dục theo dõi diễn biến của bão để có quyết định cho học sinh nghỉ học theo từng khu vực.
Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân (đóng trên địa bàn) đã chuẩn bị 2 tàu đầu kéo, 10 xuồng cao tốc cùng nhiều xe tải, xe cẩu, xe cứu thương sẵn sàng ứng cứu người dân các vùng thấp trũng khi có tình huống xấu xảy ra.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài việc cho học sinh nghỉ học khi có mưa lớn, cơ quan chức năng lên phương án sơ tán 2.884 hộ với 11.561 nhân khẩu ở các vùng sạt lở đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng huy động gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện sẵn sàng đối phó với bão số 10.
QL 49B từ TP Huế lên huyện miền núi A Lưới bị sạt lở đoạn qua xã Hồng Hạnh cũng đang được được công nhân gấp rút hoàn thành việc san lấp đất, thông xe. Tuy nhiên, do trời còn nắng ráo nên nhiều người dân vẫn tỏ ra chủ quan với bão. Tại huyện A Lưới, người dân xã Nhâm kéo nhau xuống đập thủy điện để đánh cá, đào đãi vàng, bất chấp nước đang dâng cao.
Tại Quảng Trị, nơi được dự báo sẽ là tâm bão Wutip, Ban phòng chống lụt bão tỉnh đã xác định các vùng xung yếu để lên phương án di dời, ứng cứu người dân khi bão đổ bộ theo phương châm 4 tại chỗ.
Ngoài việc giúp dân chằng chéo lại nhà dân, trường học, tỉnh đã lập ban chỉ huy tiền phương tại xã Trung Giang và thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), túc trực 24/24h để tiếp nhận thông tin và xử lý tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Tỉnh Quảng Bình đến cuối chiều nay, không còn tàu thuyền hoạt động trên biển, phương án di dân ở những khu vực thấp trũng, sạt lở cũng đã được địa phương lên phương án. Dự kiến tỉnh sẽ di dời khoảng 10.00 dân trước khi bão đổ bộ. Nhiều huyện vùng thấp trũng như huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh cũng có kế hoạch cho học sinh nghỉ học.
Tại Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã yêu cầu các Sở ban ngành hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão và tổ chức trực ban 24/24.
Đến trưa 29/9, Bộ đội biên Phòng tỉnh Nghệ An đã kêu gọi được hơn 4.000 tàu thuyền của ngư dân với hơn 23.000 lao động đã về nơi trú đậu an toàn.
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó giám đốc Sở nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh đã thu hoạch được tất cả 60.000 ha lúa hè thu khô khén, hiện tại chỉ còn khoảng 20.000 ha lúa đang vào độ chín, trong số đó có khoảng 2.000 ha nằm trong vùng có khả năng bị ngập lụt. 10 nghìn ha ngô mới gieo trồng có khả năng mất trắng nếu mưa lụt to... Về thủy sản có khoảng 3.000 ha đang trong vụ nuôi trồng cũng có khả năng ảnh hưởng.
Về giáo dục, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó chánh văn phòng Sở giáo dục đào tạo Nghệ An cho biết, hiện tại Sở chưa có công văn chỉ đạo gì về các trường trước diễn biến cơn bão. "Tuy nhiên, từ đầu năm Sở đã có văn bản chỉ đạo cụ thể về việc phòng tránh mưa bão. Tất cả các trường trên địa bàn tỉnh sẽ chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh mưa bão nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh", ông Hoàn nói.
Các Sở giao thông vận tải, Y tế, điện lực cũng gấp rút các phương án phòng chống bão, liên tục báo cáo về cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh. Tại thành phố Vinh, từ 16h ngày 29/9 tất cả loa phường đã đồng loạt phát công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh về ứng phó với cơn bão.
Nguyễn Đông – Văn Trần - Hải Bình