Tròn 6 tháng trước, vợ chồng anh Đăng, tạm trú một huyện ngoại thành, làm căn cước công dân gắn chíp tại nơi ở, nhưng bặt tin từ đó đến nay. Nhiều lần hỏi về tiến độ song Đăng không nhận được câu trả lời cụ thể về thời gian, địa điểm trả căn cước.
Giữa tháng 11, anh nhắn thông tin cá nhân đến Fanpage của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06 Bộ Công an) thì được trả lời: "Thẻ của anh đã trả về Công an huyện từ ngày 4/10". Đoán rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bưu điện chuyển phát bị chậm, anh Đăng chờ thêm đến gần một tháng vẫn không thấy.
Sốt ruột vì nhiều công việc bị đình trệ, Đăng liên hệ công an huyện thì được thông báo bị sai tên đệm trên hệ thống nên "căn cước chưa được cấp". Cảnh sát nơi tạm trú hướng dẫn Đăng phải về công an xã nơi thường trú ở tỉnh Nghệ An, cách nơi ở của anh bây giờ gần 400 km, để nhờ họ chỉnh sửa thông tin.
Sáng 8/12, sau hơn một tuần nhờ người nhà ở quê "cạy cửa" khắp nơi, anh được Công an xã nơi thường trú phản hồi đã chỉnh sửa tên đệm trên hệ thống để khớp với các giấy tờ tùy thân. Chiều cùng ngày, anh được cảnh sát thông báo dữ liệu đã chuẩn, "chờ ngày nhận căn cước".
"Tôi cho rằng không có sự trao đổi thống nhất giữa công an các địa phương. Lỗi do công an làm thủ tục nhưng người dân lại phải gánh chịu mọi rắc rối. Điều khiến tôi bức xúc là khi có nhầm lẫn thông tin, cảnh sát khu vực không thông báo mà để người dân chờ đợi trong vô vọng, mệt mỏi và tự dò hỏi khắp nơi", Đăng nói.
Vợ anh Đăng, cũng trong tình cảnh tương tự khi đã làm 6 tháng mà không biết căn cước của mình đang "thất lạc" nơi đâu.
Những người gặp tình trạng như Đăng gần đây không ít. Hầu hết công dân làm căn cước nhiều tháng chưa nhận được đều không thấy cảnh sát khu vực thông báo rõ ràng mà phải chờ đợi hoặc tự dò hỏi khắp nơi.
Chị Lan làm căn cước hơn 6 tháng nay tại nơi tạm trú và giờ vẫn chưa được trả. Đầu tháng 12, chị được cảnh sát khu vực hẹn đến trụ sở và cho biết thông tin về nơi thường trú, tạm trú của chị trên hệ thống bị lặp lại hai lần. Điều này khiến dữ liệu bị sai, không khớp trên hệ thống.
Cảnh sát khu vực nói không có quyền chỉnh sửa và đề nghị "liên hệ với công an nơi đăng ký thường trú để nhờ sửa thông tin". Chị Lan cho rằng: "Dữ liệu do công an nhập, sao lại buộc người dân phải chạy đi chạy lại giữa nơi thường trú và tạm trú để sửa lỗi không phải do dân gây ra?".
Cũng giống như anh Đăng, chị Lan, nhiều người ở các khu vực khác cũng gặp tình cảnh tương tự. Khảo sát của VnExpress cho thấy, nhiều người phản ánh làm căn cước 6-7 tháng chưa được lấy song cũng không được cảnh sát khu vực phản hồi. Khi họ đến trụ sở công an, nơi làm căn cước, mới phát hiện thông tin của mình "thuộc trường hợp phải chỉnh sửa".
Cách đây 7 tháng, chị Thủy đi làm căn cước công dân ở một quận trung tâm. Sau nhiều tháng chờ đợi, chị ra công an quận hỏi mới được thông báo dữ liệu khai báo bị sai. Theo hướng dẫn, chị đã lăn tay và khai báo lại thông tin "gần như làm lại từ đầu". Từ đó đến nay, hơn một tháng, chị Thủy vẫn chưa được nhận thẻ căn cước mới.
Ngày 8/12, trước bức xúc của người dân, đại diện Công an Hà Nội cho biết, công an nơi tạm trú khi phát hiện dữ liệu của công dân bị sai "phải có trách nhiệm gửi yêu cầu theo nghiệp vụ để trao đổi, xác minh với công an nơi thường trú". Đây là việc "rất bình thường", công an thường trú xác nhận thì công an tạm trú mới chỉnh sửa để nhập dữ liệu.
Người dân có thể làm căn cước ở nơi thường trú hay tạm trú đều được, song chỉ công an nơi thường trú mới có quyền chỉnh sửa thông tin.
Tuy nhiên có những trường hợp công dân khai báo sai lệch thông tin cá nhân, muốn sửa lại cho chính xác thì chính người đó phải đi khai báo lại. "Khi thông tin của công dân nơi thường trú đã đúng thì trách nhiệm xác minh lúc này là của cảnh sát khu vực tạm trú và của Đội quản lý hành chính nơi tạm trú", đại diện Công an Hà Nội nói.
Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2020 với tổng đầu tư 2.800 tỷ đồng. Ngày 1/1, công an toàn quốc bắt đầu thu nhận cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi.
Đầu tháng 10, trả lời câu hỏi về việc nhiều người chưa được nhận thẻ căn cước công dân, đại diện Bộ Công an từng nói Covid-19 ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất chíp điện tử trên thế giới. Việt Nam phải nhập khẩu chíp nên khi các nước rơi vào khủng hoảng sẽ tác động lớn đến tiến độ sản xuất thẻ.
Giữa tháng 10, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết Bộ Công an đã trả hơn 50 triệu thẻ cho người dân so với trên 55 triệu hồ sơ thu nhận.
Bạn có gặp tình huống tương tự hãy gửi thông tin tại đây.